“Bẩm đại nhân, không ạ. Thuộc hạ nghĩ Giang học sĩ sẽ sinh lòng nghi ngờ
nếu phát giác ra cuốn kỳ phổ bị mất. Thuộc hạ để Mã đệ ở lại canh phòng
phủ học sĩ, còn mình đi tới hàng sách đối diện với Văn Miếu. Khi thuộc hạ
nhắc đến tên quyển sách, chủ hàng nói vẫn còn một bản và bắt đầu kể ngay
lập tức về thế cờ cuối cùng đó! Y nói quyển sách được xuất bản bảy mươi
năm trước bởi tằng tổ của Hàn Đạt Nhậm, một lão nam nhân lập dị mà
người ở đây vẫn hay gọi là Hàn ẩn sĩ. Lão Hàn là một kỳ sư danh tiếng và
kỳ phổ lão viết vẫn còn được nghiên cứu rộng rãi. Hai thế hệ kỳ thủ đã
ngẫm nghĩ thế cờ cuối cùng đó nhưng chưa ai khám phá được ý nghĩa của
nó. Quyển sách không đưa ra lời giải thích nào, vì thế ngày nay người ta
phỏng đoán rằng thợ in đã nhầm lẫn mà thêm trang cuối vào. Trong khi quá
trình in còn dang dở, Hàn ẩn sĩ đột ngột từ trần nên không thấy được bản
thảo cuối. Thuộc hạ đã mang quyển sách về đây để đại nhân có thể tự mình
xem qua.”
Y trình lên một quyển sách ố vàng đã quăn mép.
“Một câu chuyện mới lý thú làm sao!” Địch Nhân Kiệt thốt lên. Ông hào
hứng giở quyển sách ra và liếc nhanh qua lời tựa.
“Tằng tổ của họ Hàn quả là một học giả uyên bác,” ông nhận xét. “Lời tựa
được viết theo phong cách rất độc đáo mà tuyệt hảo.”
Ông lật giở cho tới tận trang cuối, rồi lấy từ trong ngăn kéo ra tờ giấy vẽ
thế cờ và đặt nó xuống cạnh quyển sách in. “Phải, Hạnh Hoa đã xé tờ giấy
từ một bản của quyển sách này. Nhưng tại sao? Làm thế nào một thế cờ
được in từ bảy mươi năm trước lại liên quan tới một âm mưu đang được
toan tính trong trấn này? Quả là chuyện lạ lùng!”
Vừa lắc đầu, ông vừa đặt quyển sách và tờ giấy vào trong ngăn kéo. Rồi
ông hỏi vị sư gia, “Lão Hồng à, lão đã tìm hiểu được gì thêm về Lưu Phi
Ba chưa?”