“Nàng thường ra ngoài không lâu sau bữa trưa,” Mã Vinh trả lời, “và quay
về trước khi cơm tối được dọn lên.”
“Như thế có nghĩa là Hạnh Hoa không thể rời khỏi trấn,” Địch Nhân Kiệt
nhận xét. “Lão Hồng, lão hãy ra hỏi chánh lục sự về bút danh kia!”
Trong khi Hồng sư gia lui ra, một bộ khoái bước vào và dâng lên huyện
lệnh một phong bì lớn được niêm kín. Địch Nhân Kiệt mở phong bì và trải
một lá thư dài ra mặt án thư. Có hai bản sao kèm theo lá thư. Vừa vuốt bên
tóc mai, ông vừa chậm rãi đọc thư. Đúng lúc ông ngả người tựa vào lưng
ghế thì lão sư gia quay lại. Lão vừa lắc đầu vừa nói, “Bẩm đại nhân, viên
chánh lục sự cam đoan không có nho sĩ hay văn nhân nào ở trấn này dùng
danh xưng Trúc Lâm thư sinh.”
“Thật đáng tiếc!” Địch Nhân Kiệt đáp, rồi ngồi thẳng người lên. Ông chỉ
tay vào lá thư trước mặt và hào hứng nói tiếp, “Ở đây chúng ta có bản
tường thuật của chủ thanh lâu sở hữu Hạnh Hoa. Nàng tên là Phạm Lai
Nghi và được mua về bảy tháng trước từ một tay ma cô ở kinh thành, đúng
như Đào Hoa kể với Mã Vinh. Giá là hai thỏi vàng.
“Tay ma cô nói rằng y đã mua thiếu nữ trong một hoàn cảnh khác thường.
Hạnh Hoa tự tìm đến y và đồng ý bán mình với giá một thỏi vàng và năm
mươi lạng bạc, với điều kiện nàng sẽ chỉ bị bán lại ở Hán Nguyên. Tay ma
cô lấy làm lạ khi thiếu nữ này lại tự thỏa thuận bán mình, thay vì qua phụ
mẫu hay một người mối lái. Nhưng vì nàng xinh đẹp lại có tài ca vũ, tay ma
cô đánh hơi thấy một món hời lớn nên không buồn gặng hỏi cho rõ. Y trả
tiền cho thiếu nữ tự xử trí. Tuy nhiên, vì thanh lâu ở Liễu Phường là một
mối làm ăn tốt, tay ma cô nghĩ mình nên báo cho chủ thanh lâu biết hoàn
cảnh khác thường ấy, để khỏi phải chịu trách nhiệm nếu sau này xảy ra rắc
rối.”
Đến đây, huyện lệnh ngừng lời và bực bội lắc đầu. Rồi ông nói tiếp, “Chủ
thanh lâu đã hỏi thẳng Hạnh Hoa vài câu nhưng nàng chỉ né tránh và trả lời