ghềnh đá, cùng Khôi Việt vào hang dò xét trước khi trở về phố Hội.
Vừa bàn tính, Khôi Việt vừa thu dọn túi hành trang. Lan chỉ dẫn đường đi,
theo đó thì Khôi sẽ men theo bờ biển, tìm con đường mòn xuống bến. Còn
Việt thì đi ngược trở lại, tìm đến chỗ có hàng rào dây kẽm gai để lấy mảnh
giấy còn trong túi quần rách vướng ở đó.
Cả hai đều phải lợi dụng lúc sương mù chưa tan, và cẩn thận núp lén đừng
để cho ai bắt gặp.
Chia công tác xong, Khôi đặt ngay ngắn chiếc thang tre và giữ đầu thang
cho Lan xuống. Nhưng Lan nói :
- Các cậu đeo “balo” nặng nên xuống trước. Để tui giữ thang cho.
Lan nói thật đúng. Chiếc thang đã ọp ẹp, lại khuyết mất vài bậc, nên muốn
xuống phải rất cẩn thận.
Khôi dục :
- Việt xuống trước đi vậy, mau mau kẻo trời sáng mất.
Việt hấp tấp bước xuống. Chân anh vừa đặt vào bực thang, chiếc ba lô nặng
đeo trên vai đã làm Việt mất thăng bằng, tuột tay ngã xuống.
Do bản năng tự nhiên, Việt rụt đầu lại hy vọng khi rơi xuống đất có chiếc
balô che đỡ. Nhưng Việt không rơi xuống nền đất cứng, mà lại rơi vào hai
cánh tay của một người đàn ông đang lớn tiếng gắt:
- Đi mô mà hấp tấp rứa?
Chú thích:
[1] Lối giải thích của Việt có lẽ mập mờ, không đúng. Theo ông Thái văn
Kiểm thì vào thế kỷ thứ V tên con sông Thu Bồn chảy ngang qua Hội An ra
biển, có tên là Hoài giang. Do đó Hội An xưa được gọi là Hoài Phố, và
người Trung Hoa cư ngụ từ từ trước đã đọc trại ra là Phai Phô hoặc FaiFo.