Kết cục như thế chẳng hề là sự cứu rỗi, đối với bà Naoko và cả đối với
mình. Setsuko nghĩ vậy. Nếu mượn lời bà Naoko, từ lúc thành người, tức là
từ ngày đến vùng đất ven biển này, trong suốt sáu mươi năm bà Naoko đã
gian truân quá đủ rồi. Sau khi chết bà Naoko còn phải trở thành linh hồn
của không trung bay quanh chúng mình nữa hay sao?
Ở cuối truyện Nàng tiên cá, một trong những linh hồn của không trung
nói nhỏ vào tai nàng: “Có cách rút ngắn được thời gian thử thách 300 năm.
Chúng ta len lỏi vào nhà người trần có con cái, mỗi lần tìm thấy một đứa bé
ngoan làm vui lòng cha mẹ, xứng đáng được cha mẹ yêu quý, Thượng đế sẽ
rút ngắn thời gian thử thách cho chúng ta. Những đứa bé không biết chúng
ta bay lượn trong phòng chúng và mỗi lần chúng ta mỉm cười với một đứa
bé ngoan, chúng ta sẽ bớt đi được một năm trong số ba trăm năm. Nhưng
mỗi lần ta gặp phải một đứa bé hư đốn làm cho chúng ta phải rỏ lệ đau
buồn, thời gian thử thách của chúng ta sẽ bị tăng thêm một ngày.”
Thế chẳng nhẽ muốn bà Naoko hạnh phúc thì ở thế gian này Setsuko mỗi
ngày phải cố như một đứa trẻ ngoan, làm bà Naoko trong lốt của linh hồn
không trung thấy vui mà mỉm cười hay sao?
Không phải thế. Nếu bà Naoko không có ở đấy thì cũng chẳng còn có ý
nghĩa gì nữa. Không thể thấy, không thể nói chuyện, không thể chạm tới thì
có nghĩa gì với Setsuko đâu. Sau khi chết cũng không có gì bảo đảm rằng
Setsuko sẽ ở cạnh bà Naoko. Nên Setsuko muốn thấy bà Naoko vui vẻ mỉm
cười ngay lúc này, lúc cô đang có bà bên cạnh.
Nàng tiên cá tan vỡ trái tim, nhưng nàng còn có các chị em đã vì nàng
mà đánh đổi mái tóc dài mượt mà để được cây dao. Chứ bà Naoko thì đâu
có ai. Mà dù có lưỡi dao trong tay đi nữa bà Naoko có ai để mà đâm?
Người bà yêu thương đâu còn trên cõi đời này.
“Vậy thì phải ăn mực chứ,” Setsuko nhìn thẳng vào bà Naoko, sẵng
giọng như con gái mắng mẹ không chịu nghe lời. “Mực là đồ biển mà.”
“Ồ, tôi làm sao vậy nhỉ, mực đúng là đồ biển thật,” bà Naoko cười
ngượng nghịu đưa đũa gắp miếng mực khoanh tròn.