thanh hỗn độn của xe vận động bầu cử chạy khắp phố cho đến phút cuối
của thời gian được phép.
Vấn đề không phải là phiếu bầu bị mua bằng tiền. Chuyện này trong thời
gian bầu cử hầu hết các ứng cử viên đều làm khắp nơi trong phố. Chỉ có cỡ
thầy Kawano là không chịu mua phiếu bằng tiền thôi. Không phải không
chịu mua mà không mua được, người trong Vũng nói vậy. Mọi người nhìn
thầy Kawano bằng cặp mắt coi thường như nhìn thổ dân chưa được khai
hóa, chưa biết chế độ đồng tiền. “Đó là lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản,”
thầy Kawano lầm bầm.
Dù không phải là giáo viên hay bác sĩ nhưng bố tôi được người trong
Vũng gọi là “thầy”. Theo giọng địa phương, họ gọi chớt đi thành “thài”. Bố
tôi – cảnh sát trú đóng ở vùng Vũng được tặng quà vào mùa Vu Lan và dịp
tất niên nhiều đến nỗi không thể để hết trong phòng khách.
“Nhìn hơi kỳ kỳ nhưng đành chịu thôi,” vừa nói bố vừa bưng những quà
được tặng để vào trong đồn cảnh sát nằm trong cư xá.
Không chỉ quà đến nhà tôi mà còn hơn cả đống quà, chủ quà tặng cũng
lần lượt đến. Không biết đến có việc gì nhưng ai cũng làm như Mẽo-tsugu
Azamui. Tức là cùng uống rượu với bố. Không như Mẽo-tsugu Azamui
rượu đưa ra chỉ lầm lì uống, họ còn hơn cả thế. Khi rượu sắp hết họ từ từ
đứng lên chạy qua đồn bảo: “Thài, cái chai rượu Shiranami mà tui cho thài
hôm bữa để chỗ này phải không?” Họ đi lấy rượu họ mang tặng hôm nọ và
tiếp tục uống.
“Đồn cảnh sát giống cái kho giữ rượu nhỉ,” bố chưa hết say ôm bụng
cười lăn.
Dĩ nhiên không phải chỉ có vậy. Ngư dân mới làm quen cũng thường
mang cá mới câu được đến cho, các bà cho khoai tây, củ cải vừa thu hoạch
ở ruộng về. Bà Hatsue cũng hay chia đồ ăn làm được ở buổi dạy nấu ăn của
Hội phụ nữ, rồi có mâm cỗ đám ma, giỗ chạp họ cũng mang tới.
“Hay quá nhỉ, không phải tốn tiền mua,” bố vừa gắp đồ ăn vừa nói với
tôi và em trai. “Ông này, đừng nói tào lao trước mặt con cái!” mẹ nguýt bố.