- Thôi! Để nó ở đây, bây giờ đến hang núi!
Tiếng ông Châu nói hơi run run và hơi khàn. Ông hắng giọng một cái, rồi
nói to hơn :
- Thôi! Đi ra!
Tiếng vang ở quả núi đáp lại một cách rất dị thường và khiến cho cả người
nói lẫn người nghe cùng có những cảm giác lạ. Ông Châu vừa bước ra vừa
truyền :
- Thằng Noòng, thằng Lường theo tao đến Nùng Khai. Còn ba đứa kia sắp
sửa cuốc, dao, dây để vào Văn Dú.
Bọn năm người thấy quan Châu lúc bấy giờ oai nghiêm như cái gươm ông
cầm trên tay. Một tiếng ông nói ra ở chốn này họ đều coi như lời thần
thánh. Trong lúc ba người chia nhau mấy bó đuốc và mấy cuộn dây dài thì
ông Châu với hai người kia đi lại bên cái xác khô của ông già Thổ.
Xác Nùng Khai nằm hơi nghiêng, đầu trở vào phía hang, cánh tay trái đè
dưới mình, cánh tay phải khuỳnh vào đưa lên trên không, cứng như que củi
gẫy; ngón tay và chân đều rút quặp lại; chân trên duỗi thẳng; chân dưới hơi
co lên. Bộ mặt xám nhăn nhó trông rất xấu; mi mắt nhắm không liền,
miệng há cứng ra, lưỡi thụt vào trong họng.
Ông quan Thổ xem kỹ hai tay hắn thì quả như lời người Thổ Kao Lâm
thuật, khắp bàn tay rớm những vết máu rất nhỏ, bấy giờ đã hóa thâm. Ông
sai người cởi áo người chết xem còn thương tích gì khác nữa không. Nhưng
ngoài những vết sẹo to ở cánh tay và gần vú - sẹo của những vết thương
khỏi đã lâu lắm - thì không còn thấy gì.
Ông lần trong túi áo trong của Nùng Khai thì lấy ra được mảnh giấy cũ và
nhàu, trên giấy vẽ đường lối đi đến Văn Dú và biên những câu giống in như
mấy câu ở mảnh giấy hôm trước. Hai cái hình vẽ phóng ở hai bên trông
vụng dại hơn hình mẫu. Ông cầm lấy soi lên ánh sáng thì không thấy gì lạ.
Ông lẩm bẩm một mình :
- Thì ra chúng nó không ngờ gì... nên chúng nó tưởng rằng cứ chép lại
những chữ trên mặt giấy kia là đủ... Chúng nó chết là phải lắm. Đến ta, là
người trí thức, mà nếu không vì sự ngẫu nhiên thì đời nào hiểu cái mưu ghê