gớm của người Tàu... Huống hồ, chúng nó lại chỉ học thuộc lòng những
chữ vô lý ấy mà dám xông pha vào đây...
Ông còn đang gật gù như nhận ra một lẽ gì mới nghĩ, thì ba người bộ hạ
đưa ông xem một bọc quần áo mà họ đoán là của người Khách chết treo,
cùng với bức địa đồ đã gần nát. Ông cầm lấy xem, rũ những áo ướt trong
bọc, rồi đứng lẳng lặng. Bọn người theo hầu trông thấy cái suy nghĩ sâu xa
ở cả trên những răn trán, trong hai con mắt dưới lông mày, và cái miệng
măm mắm của ông Châu. Rồi ông lại gật gù :
- “Phải rồi! Ta đoán không sai. Người này quyết là con cháu của viên quan
Tầu. Nhưng sao bây giờ mới sang đây? Ta có thể ngờ là mảnh giấy “di
chúc” kia khi đem sang Tàu thì đã phải thất lạc nhiều lần, hoặc bị tay kẻ
khác chiếm đoạt đến nay mới lại tìm thấy...
Nhưng cái đó cũng không căn cứ vào đâu. Chỉ phải xét xem ai đến đây mà
giết người kia? Mà kẻ giết người ấy sao lại giết hắn một cách lạ lùng như
thế? Cái chết của người Khách với của Nùng Khai này cùng bí mật như
nhau, nhưng mỗi người chết một cách ghê gớm khác. Ta đọc tờ giấy hôm
qua thì có thể đồ rằng Nùng Khai chết vì những hòn đá giết người. Những
hòn đá này vì đâu mà giết được người, ta cần dò xét cẩn thận mới biết
được”.
Rồi ông móc túi lấy ra tờ giấy mỏng ông tìm được ở trong mảnh giấy
vuông của người Thổ Kao Lâm. Ông không đọc một chữ nào vì ông đã
thuộc hết. Ông chỉ tự hỏi :
- Người Khách chết ở kia, vậy ai đem mảnh giấy vuông vào trong hang?
Trong hang có những ai? Mà Nùng Khai làm thế nào lại lấy được ra rồi
chết?
Ông quan Thổ nói câu sau cùng to lên và mắt ông vô tình nhìn vào mắt một
người trong bộ hạ. Họ không biết nói gì, chỉ giương mắt to nhìn nhau.
Ông Châu bèn đứng sững người lại, vứt cái áo của Nùng Khai lên cái xác
nằm trơ đó. Rồi ông bảo đốt đuốc, và sắp dây, sắp xẻng cuốc để vào hang
thần.
Trước khi bước chân lên, ông đứng sững lại một lát cố thả tầm mắt soi vào
khoảng đen tối trong hang, mặt ông hơi có dáng lo ngại và nghi ngờ. Ông