mẹ con, anh em cực kỳ cảm động. Một truyện tiêu biểu của một nhà văn
tiêu biểu ở miền Nam.
Ba Sinh nói một thôi một hồi và quả nhiên có tác dụng mạnh mẽ đến sự
chọn lựa của người cán bộ. Ông ta cầm cuốn sách lên ngắm nghía, mở từng
trang, tần ngần rồi cuối cùng trả giá với cô bé bán sách. Lúc ông ta đi khỏi,
nghiễm nhiên Ba Sinh trở thành người quen với cô hàng sách. Cô ta nói:
- Có chú đỡ quá. Hồi trước cháu cũng đọc sách, nhưng chỉ xem toàn loại
sách Tuổi Hoa thôi. Còn những loại này, có nhiều cán bộ hỏi cháu nội
dung, cháu mù tịt.
Sinh hỏi:
- Cháu bán thế này, cán bộ thông tin văn hóa phường cũng để yên cho
cháu hả?
Cô bé khẽ nheo một bên mắt rồi khẽ mỉm cười:
- Cán bộ phường là ai? Những sách này cũng một đường dây đó mà ra
cả. Họ tịch thu mười thì chỉ cho vào giấy vụn độ hai, ba thôi chú. Những
sách quý thế này sức mấy mà đốt.
Cô bé như không cần giữ lời. Câu nói của cô lọt vào tai một anh cán bộ
khác lúc đó cũng đang lúi húi giở từng trang trong bộ sách biên khảo của
Nguyễn Hiến Lê. Anh ta khẽ ngừng tay ngẩng lên nhìn hai người. Ba Sinh
nói:
- Sách học làm người của học giả Nguyễn Hiến Lê, rất nổi tiếng đấy.
Anh cán bộ trề môi:
- Miền Bắc đã là người từ bao nhiêu năm nay rồi, đâu cần phải học làm
người như dân trong chế độ cũ.
Ba Sinh thấy người giận sôi lên, chàng rất muốn chín bỏ làm mười,
nhưng cũng không thể nào bỏ qua câu nói đó được. Chàng cười khẩy:
- Người cũng năm bẩy loại người anh ơi... nói cho biết, học được thành
người như chúng tôi cũng còn mệt lắm đó.
Anh cán bộ nhìn sững vào Ba Sinh. Đôi mắt của anh ta ngầu lên những
tia giận dữ. Cô bé bán hàng thấy bầu không khí có vẻ gay go, vội vàng dàn