đi, người bị cầm tù, một số khác lang thang vất vưởng ở các vỉa hè thành
phố để làm những nghề không phải là nghề, y như hoàn cảnh của chàng
hiện nay.
Ba Sinh nhấc lên tay một tác phẩm quen thuộc. Chàng chợt sững sờ khi
nhìn thấy những dấu vết cũ. Chàng đổi nhanh qua những cuốn khác. Không
còn nghi ngờ gì nữa, cả một tủ sách của chàng, tưởng đã tiêu tan ra thành
bột giấy, nào ngờ vẫn còn nguyên vẹn ở đây. Ba Sinh mừng rỡ tưởng đến
ngất xỉu đi, cái cảm giác choáng ngợp y hệt như một người vừa tìm lại
được người thân sau bao tháng ngày được tin kẻ đó đã mất.
Bây giờ thì Ba Sinh mới chú ý đến người bán sách. Đó chỉ là một cô bé
trạc tuổi mười lăm, nhìn cung cách ăn mặc, chàng đoán chắc cô ta thuộc
thành phần gia đình dưới chế độ cũ. Nhưng có điều khác hơn, gia đình này
phải là gia đình "cách mạng", bởi vì nếu không, họ đã chẳng được điều vào
cư ngụ trong một căn nhà đã bị tiếp thu, và nhất là lại khơi khơi bầy bán
một tủ sách cũ toàn những sách được liệt kê là đồi trụy hay phản động.
Thật ra hiện tượng bầy bán sách cũ ngoài hè phố đã không hiếm xẩy ra ở
Sài Gòn. Trên đường Bonard, dưới mắt các thanh niên mang băng đỏ và
các cán bộ công an mặc đồng phục mầu lòng tôm, dân chợ trời Sài Gòn vẫn
bầy sách la liệt trên các lấm ny-lon nhỏ. Đủ loại sách chống phá cách
mạng. Từ cuốn "Về R" của Kim Nhật cho đến cuốn "Nước đã đến chân",
bản dịch tác phẩm chống Cộng mãnh liệt của Suzanne-Labin cũng vẫn còn
bầy khơi khơi trước mắt mọi người qua lại. Tất nhiên là bất hợp pháp.
Nhưng nhiệm vụ kiểm tra các loại sản phẩm văn hóa bị cấm đoán là của
các toán Thông tin Văn hóa phường. Phường nào kiểm tra trong phạm vi
phường đó. Những cuốn sách có nội dung ghê gớm đó, sau những màn
ruồng xét gắt gao, nếu có xuất hiện trở lại trên thị trường đen thì còn ai có
thể làm được điều đó ngoài chính những kẻ đã đi tịch thu!
Là nạn nhân của một cuộc ruồng xét dẫn tới sự mất mát toàn bộ tủ sách
đã vun trồng từ bao nhiêu năm nay, đột nhiên nhìn lại những cuốn sách
thân yêu, Ba Sinh ngạc nhiên thấy mình chỉ có một nỗi vui mừng mà không
hề thấy tiếc xót. Có lẽ chàng đã coi sự mất mát là lẽ đương nhiên trong toàn