thể sự mất mát chung của mọi người. Hơn thế nữa, chàng đã tưởng toàn bộ
tủ sách đã tả tơi trong một xưởng làm bột giấy nào đó thì trái lại, chúng vẫn
còn được nguyên vẹn hình hài, được o bế, được bầy biện bởi một bàn tay
chăm sóc gọn gàng, và hiển nhiên chúng vẫn được đóng nguyên vẹn vai trò
cố hữu của mình, đó là: "Sách in ra là để được đọc". Càng được nhiều
người đọc, sách càng làm đúng chức năng của mình.
Từ những ý nghĩ đó, Ba Sinh không thấy giận, không thấy hiềm thù, mà
chỉ nhìn cô bé bán hàng, mỉm miệng với cô ta một nụ cười thật tươi. Cô bé
hỏi:
- Chú muốn mua sách gì?
Ba Sinh lắc đầu:
- Tất cả các sách này tôi đọc hết rồi. Tôi chỉ đứng xem lại thôi.
Câu trả lời của Ba Sinh làm một người đàn ông đứng cạnh đang lúi húi
chọn sách, bỗng ngẩng đầu lên. Chàng nhận ngay ra ông ta là một cán bộ
miền Bắc, do ở nước da, ở khuôn mặt, ở kiểu cắt tóc, ở bộ quần áo trên
người và ở cả cái túi mang ngang hông đeo quàng qua vai bằng một sợi dây
da nhỏ. Đột nhiên Ba Sinh cất lời trước:
- Mua mà đọc đi anh, toàn nhưng sách hay, mai mốt sẽ không bao giờ
còn nữa.
Người cán bộ nhìn Ba Sinh một giây như thăm dò, đánh giá. Rồi như yên
tâm về con người hãy còn đầy chất "Ngụy" của Ba Sinh, ông ta mỉm cười:
- Tôi mới vào Nam. Nhiều thứ sách quá, không biết đâu mà chọn cả.
Sinh hăng hái:
- Tôi chọn giùm cho. Tôi bảo đảm những cuốn này tôi đã đọc qua. Cuốn
nào hay, cuốn nào dở tôi biết rất rõ.
Rồi Ba Sinh nhấc ra khỏi kệ một cuốn sách của Duyên Anh: Đây là cuốn
Hoa Thiên Lý, toàn truyện ngắn tình cảm quê hương, gia đình rất có giá trị.
Trong cuốn sách này tôi thích nhất truyện "Con sáo của em tôi". Truyện
"Con sáo của em tôi" đã được tuyển chọn giảng dạy trong các trường của
toàn miền Nam. Văn điêu luyện. Trong sáng. Mẫu mực. Tình cảm gia đình,