hòa:
- Chú không thấy thích loại sách đó thì thôi. Còn nhiều loại khác. Có bộ
kiếm hiệp của Kim Dung đây này. Nhiều người hỏi mua lắm đó chú.
Anh cán bộ nhún vai:
- Đọc làm gì những thứ kiếm hiệp nhảm nhí. Cô có sách của Lệ Hằng
không? Nghe nói Lệ Hằng đọc được.
Chỉ một suýt nữa thì Ba Sinh phá lên cười. Sự thích thú chợt đến làm
chàng quên ngay cơn giận dữ vừa rồi.
Chàng lựa ngay trên kệ sách độ ba, bốn tác phẩm của Lệ Hằng. Rồi
chàng bắt đầu thao thao giới thiệu về nhà văn nữ này, như một đợt sóng
mới ở miền Nam, mặc dù trong thâm tâm, một số sách của Lệ Hằng đối với
chàng chỉ là những tác phầm làng nhàng. Cuối cùng thì Ba Sinh cũng bán
giùm cho cô bé được cuốn "Bản Tango cuối cùng". Cho đến lúc đó Ba Sinh
mới chợt phát hiện ra rằng mình vừa bắn đi hai phát đạn văn hóa vào hàng
ngũ bên kia một cách dễ dàng.
Những cuốn sách sẽ được lén lút mang về miền Bắc. Chúng nó sẽ được
chuyền tay từ người này sang người khác... chúng nó sẽ có cơ hội đóng trọn
thiên chức của mình. Sách hay phải có người đọc. Sách hay, nằm mốc trong
một tủ sách là sách chết.
Những cuốn sách của Ba Sinh, sau một cơn tàn phá, không những chúng
không chết mà lại còn hồi sinh một cách mạnh mẽ. Mỗi cuốn có một sứ
mạng. Mỗi cuốn có một môi trường riêng. Ở trường học, ở nông trường, ở
xí nghiệp, ở các công xưởng. Rõ ràng một mặt trận văn hóa đã hình thành
với những viên đạn bất tử đang được bắn ra. Dù nằm trong lao tù hay các
trại cải tạo thì Duyên Anh, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm
Tuyền, Phan Nhật Nam và hằng chục cây bút khác vẫn còn tiếp tục sứ
mạng của mình. Cuộc chiến đấu tuy thầm lặng nhưng hữu hiệu hơn nhiều
so với những trận đánh bằng xe tăng hay bom đạn trước đây. Những trận
đánh mà mục tiêu là những trái tim, những tâm hồn. Ba Sinh không phải là
người cầm bút, nhưng chàng vẫn có thể tham dự trận đánh cuối cùng này
bằng vốn liếng đọc sách của mình.