mặc dầu chưa đủ giúp cho những lớp người trẻ như chúng tôi, vào thời kỳ
ấy, có được cái nhìn toàn diện về những hoàn cảnh xã hội vây quanh.
Một vài cây bút lẫy lừng khác, có tác phẩm thuộc loại bán chạy nhất như
Hoàng Công Khanh với Trại Tân Bồi, Mẹ tôi sớm biệt một chiều Thu, Mối
tình đầu hoặc Nguyễn Minh Lang với nhiều tác phẩm tình cảm ướt át khác
chỉ làm sống lại bầu không khí văn nghệ của những năm trước chiến tranh.
Vấn đề Cộng Sản chưa trở thành mối ưu tư trĩu nặng trong tâm hồn tất cả
mọi người như những năm sau này ở miền Nam, sau khi cuộc di cư khổng
lồ 1954 đã chấm dứt.
Như vậy, tôi đã vào Nam, dù theo làn sóng di cư trốn chạy Cộng Sản,
nhưng lại rất ít hiểu biết về thực chất của Cộng Sản. Tôi đi Nam vì máu
giang hồ của tuổi trẻ. Ngày từ giã cha tôi để ra xe, tôi cười nói khơi khơi:
- Con chỉ đi hai năm rồi con về !
Tôi đã tin ở Hiệp Đinh Genève. Tôi tin ở cuộc bầu cử thống nhất đất
nước. Đất nước thống nhất rồi, chuyện thực hành một chuyến viễn du Sài
Gòn - Hà Nội hay ngược lại chỉ là vấn đề có phương tiện và thời gian. Hình
như cha tôi cũng nghĩ như thế. Cụ là người khoáng đạt, giáo dục con cái chỉ
bằng thực tế của đời sống, chủ trương cuộc đời của ai kẻ nấy lo, châm ngôn
duy nhất mà cụ nhồi vào đầu con cái là "ở hiền gặp lành", "gieo nhân nào
hái quả nấy", như một hành trang không thể thiếu trong giao tế với đời
sống. Ngoài ra cứ tự do bay nhảy nếu có khả năng.
Nhưng tôi không ngờ chuyến từ biệt đơn giản ấy lại là một cuộc chia xa
kéo dài gần một phần tư thế kỷ ! Và một thoáng ngậm ngùi, nỗi ngậm ngùi
chỉ vừa đủ làm cay đôi mắt còn trong veo và rực ngời tin tưởng của tôi vào
thuở ấy, đã trở thành những đêm thao thức, dằn vặt, mất ngủ trong suốt hơn
20 năm sau này, khi tôi đã hoàn toàn hòa nhập vào đời sống trong xã hội Tự
do ở miền Nam. Tôi đã mặc nhiên đứng vào hàng ngũ những người chống
Cộng, dù rằng trong tâm tưởng tôi không bao giờ nguôi niềm nhớ thương
cảnh Hà Nội cũ với Hồ Gươm xưa, ở đó vẫn còn có cha tôi mòn mỏi tàn úa
hẳn cũng nhiều đêm thao thức nhớ đến đứa con lưu lạc ngày xưa.