Ba mươi tháng tư năm bẩy lăm, tôi không chạy kịp theo làn sóng di tản
ra nước ngoài. Đành ở lại chấp nhận số mạng như hàng triệu anh em bạn
bè, đồng bào khác đã không kịp ra đi. Đánh đổi lại, tôi đã may mắn có được
một cuộc trùng phùng.
Theo lời hứa từ hơn hai mươi năm trước, đáng lẽ tôi sẽ phải là kẻ xách
khăn gói trở về, và cha tôi sẽ rộng mở vòng tay đón tôi từ ngoài ngõ.
Nhưng ngược lại, Người với bẩy mươi tư tuổi đời trên đôi vai còm cõi, mái
tóc bạc trắng, thân hình gầy guộc, đã lặn lội 1.600 cây số xuôi Nam trên
chiếc xe đò cũ nát, chật chội, chen lấn suốt ba ngày hai đêm để được gặp lại
con trai, tại bến xe Ngã Sáu Sài Gòn, giữa một rừng người hỗn độn ngổn
ngang những đống bàn ghế, đồ đạc, những thùng đồ, những túi xách, những
tay nải và cả những đống khung xe đạp chất đống chờ tới chuyến để được
bốc lên xe.
Tôi đã trùng phùng với cha tôi trong khung cảnh đó.
Lòng vừa mừng vô hạn, vừa đớn đau, chua xót vì cơn sụp đổ toàn diện
của miền Nam còn đang tiếp diễn ở toàn bộ những khung cảnh sinh hoạt ở
khắp mọi nơi, những pho tượng ở các công viên bị giật sập, những đường
phố tràn ngập rác rưởi cũ, những căn nhà của người di tản bị tiếp thu, cửa
long, vách bị đục, các cánh cửa sổ bị gỡ tả tơi, sập sệ và một rừng cờ, rừng
biểu ngữ chói mắt, nhức tim tràn ngập khắp các đường phố, các cao ốc, các
công sở, và còn ở những chiếc cổng chào mọc lên đầy đẫy ngay lối vào
những con ngõ nhỏ hẹp.
Thêm vào đó là một rừng người hỗn độn, choáng ngợp màu xanh của
quần áo cán bộ, bộ đội, những người ở Bắc vô, ở chiến khu về, những
người nằm vùng ở trong thành phố bây giờ mới ló mặt. Một bầu không khí
cuồng nhiệt, chiến thắng trong lam lũ, thiếu thốn, nghèo nàn, với những nụ
cười tự mãn, những ngôn ngữ khinh miệt, hận thù, tất cả đã úp chụp lên
người dân Sài Gòn như một mạng lưới khổng lồ, đi đâu cũng không thoát,
ngồi đâu cũng không yên, người ta chạy nháo lên như những con kiến bò
quanh miệng một cái chén đang đặt lên lò lửa. Hầu như ai cũng cảm thấy
hớt hải, lo âu, tiếc nuối, và sợ hãi cho những ngày sắp đến. Tôi trùng phùng