nhẫn, phi nhân và lạnh lùng. Mà không chỉ riêng số phận của cha tôi. Tôi
đã thấy hầu hết nhân dân miền Bắc cực khổ, lam lũ, và khổ nhọc như thế
hay hơn thế. Đó là những con cưng của chế độ, những thành phần vô sản
chính cống mà họ luôn luôn đề cao trong tất cả sách vở, triết lý của họ. Đã
một lần tôi được nghe một nữ cán bộ lớn tuổi ở miền Bắc nói với tôi rằng: -
Hồi Cách Mạng mới thành công, chúng tôi rất thiếu thốn. Những buổi sáng
khi cúi xuống cài chiếc khuy áo cho đứa con gái nhỏ đi học, tôi tự nhủ, thôi
thì đời mình có khổ, mình cũng chịu hy sinh để sau này cho con cái nó
sung sướng.
Nhưng rồi năm này qua năm khác, đời sống không đi lên mà cứ đi
xuống. Con gái tôi lớn lên, đi lấy chồng, sinh con. Bây giờ buổi sáng cúi
xuống cài chiếc khuy áo cho đứa cháu ngoại đi học, tôi không còn tin tưởng
điều gì nữa. Tôi đã khổ, con gái tôi đã khổ. Và rồi cháu ngoại của tôi, số
phận chắc cũng sẽ chẳng hơn gì.
Người cán bộ nói với tôi bằng một giọng bình thản, và đôi mắt tràn ngập
u sầu. Nỗi u sầu không phải chỉ lúc phát biểu ra câu nói đó mới có, nhưng
là sự tích lũy sâu đậm từ bao nhiêu năm, nó làm cho mái tóc của bà ta bạc
đi, khuôn mặt xanh xao cố hữu, nụ cười héo hắt ít nở trên vành môi khô, và
đôi mắt sâu thẳm chẳng còn những tia sáng tinh nhanh qua cái nhìn mệt
mỏi phản ảnh một tâm hồn suy sụp rã rời.
Sắp tới ngày hết hạn nghỉ phép, cha tôi từ biệt để trở về. Tôi không còn
lại gì, không có khả năng hay phương tiện gì để giữ cụ lại. Lòng tôi tan nát
vì sự bất lực của mình. Cuộc trùng phùng mà tôi chờ đợi suốt hai mươi lăm
năm đã kết thúc nhanh chóng trong bẽ bàng và tức tủi.
Lại bầu không khí ồn ào hỗn độn ở ngoài bến xe, lại chiếc xe đò cũ kỹ
chật ních những người và chồng chất nghễu nghện trên mui đủ loại đồ.
Ngồi ở băng ghế sau cùng, cha tôi thò bàn tay khẳng khiu và xương xẩu ra
nắm lấy tay tôi. Mắt cụ mờ lệ. Tôi hiểu cơn tức tủi đang làm cụ nức nở
trong lòng. Cụ cũng bất lực không thể giúp gì được cho tôi trong đoạn
đường bất trắc của cuộc đời mà chính tôi sắp phải trải qua.