Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Điều kinh khủng nhất trong cái xã
hội này là sự độc tôn trong lãnh vực tư tưởng. Không ai được quyền có ý
kiến riêng. Cũng không ai được quyền không có ý kiến. Thế nghĩa là phản
đối không được, mà muốn mũ ni che tai, quay lưng vào cuộc sống cũng
không được nốt. Phải trực diện với cuộc đời, phải nghĩ, phải làm, phải nói
những điều mà mình không muốn nói, dù biết rằng có nói ra người nghe
cũng không tin, không thích. Xã hội trở thành một sân khấu lớn, và ai cũng
phải trở thành một diễn viên. Đóng kịch ở sở, ở xí nghiệp, ở các chỗ công
cộng, ở ngoài dường phố, nhiều khi về nhà cũng còn phải đóng kịch vì
niềm tin vào những người thân có khi đã sứt mẻ nặng nề. Đó là kể trong
những gia đình được coi là bất hạnh, không giữ nổi truyền thống, để cho
bàn tay của nhà nước xâm nhập vào. Đây là lý do chính yếu mà nhiều
người bỏ nước ra đi, bên cạnh những lý do an ninh bản thân bị đe dọa khác.
Tôi nghĩ là ông cụ tôi đã cảm thông với hoàn cảnh của tôi và một lần
nữa, tôi lập lại một hoàn cảnh giống y như hai mươi lăm năm về trước: từ
biệt cụ thân sinh để lại ra đi. Điều mà tôi không ngờ tới là dù tuổi già sức
yếu, biết được ý định của tôi, ông cụ đã lại lặn lội 1.600 cây số xuôi Nam
để được nhìn thấy con cái thêm một lần cuối.
Tình máu mủ ruột thịt quả là đem lại cho con người những sức mạnh phi
thường. Lần này tôi dẫn cha tôi ra tận Vũng Tàu, leo lên đỉnh cao của chỏm
núi đá, nơi dựng Phật đài và chỉ cho cha tôi nhìn xuống biển bao la phía
dưới. Vào một ngày sau cơn bão, mặt biển ngả màu xám xì. Chân mây đục
lên một màu trắng sữa và lảng vảng nhiều đám mây đen. Phía dưới chúng
tôi, những con thuyền nhỏ như từng chiếc lá tre hiện ra trên mặt sóng như
những vệt đen nhấp nhô. Tôi chỉ về phía thật xa, khu vực bờ biển vùng Bà
Rịa thăm thẳm giữa mây mù, mặt biển đen xám và nói:
- Con sẽ ra khơi ở chỗ đó. Trên một con thuyền nhỏ như con thuyền dưới
kia.
Giọng tôi thản nhiên như đang nói về sự lựa chọn một chuyến xe đò đi
về lục tỉnh. Tôi chợt nhớ lại giây phút thản nhiên đúng y như vậy, cách đây
hai mươi lăm năm, tôi đã nói với cha tôi về một chuyến xe ca mà tôi sẽ rời