Bánh xe lăn dần, chiếc xe rời bến với những làn khói phun ở đằng sau
tỏa mù mịt. Hình ảnh khốn khổ của cha tôi bị xóa nhòa trong màu đen của
làn khói sặc sụa ấy. Tôi bỗng nhớ đến lần chia tay của hơn hai mươi năm
trước. Khi đó, lòng tôi chỉ có một thoáng ngậm ngùi nhưng là cơn ngậm
ngùi đã gậm nhấm suốt cuộc đời lăn lộn của tôi trong sinh hoạt xã hội ở
miền Nam. Bây giờ, trong làn khói xe mù mịt, tôi tự hỏi hình ảnh của cuộc
chia tay lần này với tất cả cơn xúc động sâu xa, tuyệt vọng, chán chường,
xót xa, tủi nhục sẽ kéo dài tới bao lâu, khi cha tôi đã già, ngày vĩnh viễn rời
khỏi cuộc đời khổ ải này chắc cũng chẳng còn bao xa, so với nếp sống
thiếu thốn, cực nhọc mà cha tôi đang còn tiếp tục chiu đựng.
Cụ vẫn mòn mỏi tiêu hao sức lực cuối cùng của cuộc đời vào những buổi
sáng dậy sớm khi còn sương mờ, tay xách một cái túi nhỏ trong có một lon
cơm, một gói tép rang mặn hay vài miếng cà, và chiếc khăn mặt cũ kỹ, đi
bộ tử cuối phố Hàng Bông ra Bờ Hồ. Ở đó, cụ đứng chờ xe điện để xuống
Bạch Mai, những toa xe vẫn mầu sơn đỏ cố hữu, ì ạch, chậm rì và con
người bu trên đó kín mít như những chùm sung. Sức khỏe của cha tôi tiêu
mòn phần lớn vào nhưng cuộc chen lấn hằng ngày trên chuyến tàu đó. Đó
là chưa kể những công việc làm ở Hợp tác xã Coi kho, ghi chép, kết toán sổ
sách. Và những buổi học tập đường lối, chính sách của nhà nước theo từng
nghị quyết mới ban hành.
Giữa năm 1979, trong một thư gửi ra thăm hỏi, tôi ám chỉ việc xin phép
cụ cho tôi ra đi. Lý do, tôi không cần trình bày thì cụ đã biết, đã cảm thông.
Như một con cá quen với đại dương bao la, tôi không thể sống nổi trong
những ao tù chật hẹp. Năm năm qua, có biết bao nhiêu điều tôi đã thấy, đã
nghe, đã trực tiếp tham dự, ở trong xã hội cơ cực này. Đối với tôi, ăn độn,
xếp hàng cả ngày, bỏ bữa sáng, dẹp cà phê, nhịn thuốc lá, bụng đói, chân
run, đạp xe đến trường giảng cho học sinh nghe về những tiến bộ của khoa
học qua môn Vật Lý (mỉa mai thay, lớp học có mấy cái quạt máy từ hồi
xưa, nay đã bị tháo gỡ đi hết), tất cả tôi chịu đựng được hết. Đất nước nào
sau chiến tranh chẳng phải cơ cực.