không họp hành gì hết ráo!
Chị Tư vừa ngán ngẩm, vừa hậm hực vì cái tính cứng cổ của bà già, nghe
xong không đáp, ngúng nguẩy đi ra ngõ. Bà Năm tuy không còn một chút
gì giận dữ sau lời nói của con bé Thu Sương, nhưng lại bị lời nói của lão
thợ giầy hồi năm xưa thay thế. Bà lão cũng vùng vằng bỏ tuốt lên lầu, ngồi
xuống cái ghế gỗ kế bên cửa sổ. Ở đó, bà lại tiếp xúc với quang cảnh quen
thuộc trước mặt, khẩu hiệu la liệt, tiếng loa ồn ào, người ra vô tấp nập và
tiếng trống, tiếng kèn om sòm vọng xuống từ khu lầu ba do nhóm thằng
Sinh, thằng Quí khua lên loạn xạ.
Chợt bà chú ý tới một nhân vật vừa xuất hiện ở trên ban công lầu hai. Vai
anh ta choàng một cuộn lớn dây điện. Vòng quanh thắt lưng là cả lô lỉnh
kỉnh đồ nghề như dao, kìm, băng keo và những cái linh tinh khác. Lúc hắn
bò ra phía gần cột đèn thì bà Năm nhận ra nó là con nhà Hiển.
Thằng Hiển là chuyên viên sửa máy móc, nhất là máy ra-dô thì là nghề
ruột của nó. Hèn chi mà nó chui được vô guồng máy công việc của
Phường. Bây giờ có vẻ như nó đang giăng thêm dây để nối thêm một
đường loa nào đó. Bà Năm thấy nó leo từ ban công qua cột đèn, tử cột đèn
nó đu sang mái thấp nhà trước cửa, rồi từ cái mái thấp này nó truyền mãi ra
tận đằng sau chợ.
Hồi này nó ốm nhom. Nó leo trèo, trông như một con khỉ nhỏ. Công việc
cực như thế, nhưng lương thì biết chắc chỉ tối đa ba chục đồng. Nhà nước
còn đang chuẩn bị biên chế cho công nhân viên chức. Chừng nào có biên
chế thì mọi người tùy theo trình độ, khả năng, bằng cấp mà đánh giá mức
lương! Còn bây giờ thì đồng hạng ba chục tuốt. Bà cụ Năm nghĩ bụng, leo
trèo vất vả kiểu đó lại bợm nhậu như thằng Hiển, nó chỉ say sưa một buổi
chiều là văng cả tháng lương.
Nhưng vấn đề là không phải trông vào cái lương đó. Vô được Ban Thông
tin Văn hóa là chắc ăn khỏi phải đi Kinh tế mới, khỏi luôn cả đi lao động
nghĩa vụ. Nó tàng tàng đến chiều tối mới thong thả đạp xe đi sửa máy tại
các tư gia. Vừa sửa máy, vừa buôn đồ phụ tùng, lại chôm chĩa đồ tốt, tráo
trở đồ xấu, mỗi tháng nó kiếm dư vài trăm. Nó gọi bà Năm bằng thím.