biện pháp xử lý, nhưng chờ mãi vẫn thấy êm rơ. Qua tuần sau chỉ còn lác
đác mấy tay Phường Đội tập với nhau. Rồi bỗng dưng ngưng hẳn! Hỏi ra
mới biết, chuyện ồn ào vào sáng sớm không thích hợp với nhu cầu đi làm
của giai cấp công nhân. Nhiều đồng chí làm ca khuya, sáng chưa đủ giấc đã
bị cái loa đánh thức ồn ào, khi vào xí nghiệp năng suất giảm hẳn đi.
Một đồng chí cán bộ cao cấp miền Bắc cư ngụ trong phường đã nổi giận
vì cũng bị cái loa nó hành, nên đề nghị cúp giờ thể thao buổi sáng với lý do
đã nêu ở trên. Thế là bao nhiêu bài đọc trên loa, bao nhiêu khẩu hiệu, biểu
ngữ vận động cho phong trào khỏe đều bị tém dẹp hết.
Cả phố thở phào, ai nấy thấy khỏe khoắn hẳn lên. Nhưng cũng chỉ được
tới 6 giờ thôi. Như một cái đồng hồ trung thành và chính xác nhất, cứ đúng
boong giờ ấy là cái loa, sau một đêm nghỉ ngơi, lại bắt đầu ọ, e. Tiếng rè,
tiếng rít, tiếng "một, hai, ba chúng tôi đang thử máy" kéo dài chừng vài
phút thì giọng con Thu Sương lại chóe lên: " Đây! Tiếng nói của Ủy ban
Nhân dân Phường..."
Cái con bé, mặt đã vênh váo, cái giọng nghe còn dễ ghét hơn. Đã mấy
lần, cụ Năm muốn bảo nó: "Mày không nhỏ nhẹ, dịu dàng hơn chút lúc đọc
loa hả con?". Nhưng con bé bây giờ ra đường nó có thèm chào ai. Thấy mặt
mình, nó tảng lờ quay đi. Có hôm nó còn dám nói:
"Mấy người già không chịu làm gương cho con cháu, cứ bỏ họp hoài !".
Bà Năm tức điên lên nhưng phản ứng hơi chậm. Vào cái lúc bà định xắn
quần lên, nhẩy tốc vào mặt nó để xỉa xói, và định nói: "Tao không họp thì
mặc cha mồ mả tổ tiên nhà tao, mày còn bén hơi sữa biết gì mà xía vô
chuyện người khác", thì tiếc thay, nó đã õng ẹo bước qua bên kia đường. Bà
cụ chỉ còn biết tái mét mặt, đứng giận run lên ở bên trong hàng rào gỗ.
Chị Tư mở cửa bước ra, bắt gặp cơn xúc động của bà cụ, bèn hỏi:
- Làm sao thế má?
- Con nhỏ Thu Sương bên hàng Chả Cá chớ ai. Nó biểu tao già mà không
chịu đi họp làm guơng. Tổ cha nó, nó làm gương cho lắm vào, sao cửa tiệm
cứ đóng hoài vậy? Làm gương rồi có ra con cá nào đem làm chả không?