Chuyến Tầu Ngày Cuối Năm
C
huyến tầu Thống Nhất, vào dịp cuối năm, đếm từ đầu đến đuôi cả thẩy
được mười bốn toa. Đó là chưa kể cái đầu máy. Toa đầu tiên gọi là toa hàng
ăn, nói đúng ra chỉ là một chỗ tập trung nấu nướng, phân phối khẩu phần
bán theo vé lên tầu của mọi hành khách. Khách mua xong rồi thì đem phần
ăn của mình về chỗ, chứ không có bàn ghế riêng để ngồi, theo như cái
nghĩa của toa xe. So với giá cả bên ngoài, đồ ăn quả có rẻ. Một khúc bánh
mì. Một đĩa cơm với trứng chiên xịt thêm ít tàu vị yểu. Vài trái chuối. Nếu
chịu khó lặn lội từ toa dưới lên toa đầu thì cũng tiết kiệm được vài đồng mà
vẫn ăn no. Tuy nhiên ít ai quan tâm tới việc dè xẻn chỉ vài đồng trên một lộ
trình dài hai ngày rưỡi này, mà lại phải nhai loại bánh mì cứng như gỗ, cơm
thì hạt rời hạt nhão, cái ưu điểm duy nhất là không có độn mì. Trong khi
đó, mỗi lần chuyến xe ngừng lại ở dọc đường, dân chúng ở mỗi địa phương
vẫn ùa ra bán hàng đông vô số kể. Cơm nóng. Gà chiên. Xôi mỡ. Cháo
hành. Và đủ thứ hoa quả. Có đắt hơn chút đỉnh, nhưng cũng là dịp được ăn
gà thỏa thuê. Lâu lâu mới đi xa một lần, chi phí về ăn uống trên tầu chỉ là
một khoản nhỏ. Tiền ăn uống bỏ ra đâu có tiếc xót bằng tiền phải mua cái
vé chợ đen, giá chính thức có ba mươi tư đồng, nó chém sáu chục, tám
chục vẫn phải nghiến răng mua lại. Tết nhất đến nơi rồi, ăn chực nằm chờ
mãi ở nhà ga, tiền quà tiêu vặt trong hai ba ngày cũng quá tội. Đó là chưa
kể ngày, đêm ngồi chờ, cứ phải ôm khư khư lấy hành lý, sểnh ra là mất cắp
như chơi. Mưa, nắng, gió, sương, mặc kệ, trong cái rừng hành lý và người
đông như kiến cỏ này, ngồi đâu là đông cứng ở đó, đâu còn nơi nào mà rời
chỗ. Càng tới ngày cận Tết, khách trở ra miền Bắc càng đông. Cán bộ, công