toàn độc lập, song con đường tới tương lai vẫn còn đen tối lắm. Nên những
người trẻ tuổi từng biết đến nỗi khủng khiếp của chiến tranh nay thực sự
muốn hòa bình, họ cần phải đi theo tư tưởng của Gandhi vốn phủ nhận việc
sử dụng bạo lực. Chúng tôi đã sống quá lâu và trở nên bất lực trong việc
dẫn dắt người khác và cả bản thân mình đi theo con đường mà chúng tôi
cho là duy nhất đúng. Cố sống đến cái "tuổi đáng ghét" có nghĩa là chúng
tôi sẽ xóa bỏ hết cuộc sống đã qua cho tới phút này. Chúng tôi muốn được
nhớ đến trong ký ức của các cháu như một người ông và một người bà tốt".
Đọc đến đó Yasuco im lặng, Singo ngoảnh mặt đi và chăm chú nhìn
những cây anh đào ở ngoài vườn.
- Họ đã bỏ nhà ra đi, sau đó có ghé lại chỗ người chị gái của ông chồng
ở Osaca rồi từ đó biệt tăm. - Bà Yasuco nói thêm, mắt không rời tờ báo.
- Thế còn bà vợ có để lại lời vĩnh biệt không? - Singo hỏi.
- Cái gì cơ? Bà vợ ấy à? - Yasuco ngạc nhiên hỏi lại.
- Thì bà vợ chứ gì nữa! Một khi hai người đã định cùng chết, thì việc
mỗi người đều trăng trối lại cũng là tự nhiên thôi. Bà thử tưởng tượng nếu
tôi với bà mà định chấm dứt cuộc đời thì bà cũng muốn để lại vài lời chứ?
- Tôi chẳng cần trăng trối gì cả. - Yasuco đáp nhanh. - Chỉ có bọn trẻ khi
định tự tử là cả anh cả nàng đều viết thư tuyệt mệnh để lại thôi. Bởi vì họ
muốn kể cho người biết là lúc còn sống họ đã bị chia duyên rẽ thúy như thế
nào. Còn tôi thì có gì mà muốn nói đến mức ấy! Khi người ta đã là vợ
chồng của nhau, thì chỉ cần người chồng để lại thư tuyệt mệnh là đủ.
- Quả thực bà nghĩ thế à?
- Đó ông xem, nếu tôi muốn chết một mình thì mọi cái sẽ khác hẳn.
- Trong tâm hồn bà sẽ dồn tích lại vô vàn đau khổ đắng cay chứ gì?