- Còn Giang là “Giang lé”, tại mắt nó hơi lác lác, Văn là “Văn ăn vụng”, và
Huyền là “Huyền bò”.
- Thế Đoan là gì ?
- Tụi nó bắt chước chị, gọi “cô bé“.
Chi. Thúy cười :
- Vậy là tên “thằng khỉ” với “cô bé“ là nghe dễ thương nhất.
- Chẳng có hay chi cả. Em tức sao cứ gọi em là “cô bé“. Người ta cao lêu
nghêu thế này mà bé gì ?
Chị Thúy trố mắt :
- Cha, bộ lớn lắm rồi sao ? Năm nay bao nhiêu tuổi ?
- Mười sáu tuổi tây.
- Thế là “nhớn” rồi hả cô bé ?
Đoan cười :
- Ít ra cũng đến tuổi làm căn cước rồi chứ bộ !
Chị Thúy không nhịn được cười. Nhưng bỗng chị nói, giọng trầm hẳn
xuống :
- Hồi bằng tuổi Đoan, chị cũng thích làm người lớn lắm. Tới chừng lớn
thật, xa gia đình, ra sống bon chen với đời, mới hay mình muốn trở lại tuổi
bé thơ. Nhưng khó lắm, Đoan ạ !
Chị nghiêng đầu ngắm bức tượng, thở ra :
- Đã lớn rồi, đã ra đời rồi, muốn nhỏ lại, làm nũng với ba má cũng hết được
rồi ! Chừ về ở với ba má ngày nào, là cố làm hết cách cho ba má vui ngày
ấy. Chỉ có vậy thôi, chị thấy vẫn chưa đủ.
- Nhưng khi sống ở Sài gòn, chị cũng thấy vui chứ ?
- Không vui đâu Đoan. Không có nơi nào ấm bằng nhà của ba má mình cả.
Dĩ nhiên là có rất nhiều bạn, có rất nhiều sinh hoạt. Nhưng mỗi khi chỉ còn
một mình, nhớ ba má, nhớ em, phát khóc được Đoan ạ !
- Sao em không nghe Huyền nó nói như chị ?
- Đoan quên là Huyền sống ở Sàigòn với cả gia đình sao ? Nơi đó có ba, có
má, còn gì bằng ? Nên nỗi nhớ của Huyền đâu có bằng nỗi nhớ của chị.
Huyền nó sống như thế, là nó đã xem Sài gòn như là quê hương của nó rồi.
Quê hương đâu phải chỉ là mảnh đất, mà còn bao gồm những người thân