sức tưởng tượng của mẹ, con cố gắng xây dựng hạnh phúc tương lai của
mình. Nói thật, mẹ thích nó lắm.
Nàng sung sướng đỏ mặt, trở ra phòng khách. Phương Trúc ở lại trong bếp
rửa chén, cười thỏa mãn. Bà cảm thấy mình hơi nông cạn vì không biết con
mình đang yêu hay bị sa vào cạm bẫy tình yêu. Tuy nhiên, nhìn nét mặt vui
tươi đầy vẻ chân thật của chàng thanh niên ấy bà cảm thấy yên tâm phần
nào.
Rửa xong chén, bà trở ra phòng khách, thấy Như Phong và Minh Viễn đang
bàn chuyện văn chương. Bà lấy làm ngạc nhiên vì chồng bà rất kém ăn nói,
nhưng hôm nay lại nói chuyện hoạt bát như thế. Họ so sánh văn chương cổ
điển Trung Hoa và văn chương hiện đại Tây phương. Minh Viễn đề cao văn
chương cổ điển, ngược lại Như Phong cho rằng văn chương hiện đại Tây
phương có cái hay mà văn chương Trung Hoa không thể nào sánh được.
Sau một hồi bàn cãi, cả hai đều đồng ý mỗi nền văn chương nào cũng có
cái hay riêng biệt của nó. Chờ đến khi hai người chấm dứt việc tranh luận,
Phương Trúc cười hỏi Như Phong:
- Cậu học văn chương sao lại đi hoạt động thương mại?
- Thưa bác, thật ra cháu không muốn nghề này nhưng chỉ vì dượng cháu mà
thôi, hầu hết cổ phần trong công ty đều là của dượng cháu. Ông lại không
muốn đứng ra coi sóc công việc nên nhờ cháu giúp sức sau khi tốt nghiệp
đại học. Lúc đầu cháu cứ tưởng chỉ giúp dượng trong thời gian ngắn sẽ
thôi, nào ngờ dấn thân vào thì không ra được nữa. Bây giờ dượng cháu nhất
quyết không cho cháu nghỉ việc, tuy nhiên cháu vẫn nuôi hy vọng một ngày
nào đó nếu có dịp, cháu sẽ làm nghề dạy học hay viết báo.
- Cậu ở chung với dượng?
- Dạ.
- Dì cậu cũng ở chung một nhà?
- Dạ không. Dì dượng cháu xa nhau lâu rồi
Phương Trúc hơi ngạc nhiên:
- Thế sau cậu còn đi theo dượng?
- Thưa bác, việc này phức tạp lắm. Dượng cháu là họ Hà, con nhà quí tộc ở
Côn Minh. Mẹ cháu họ Vương, cũng con dòng cháu dõi. Cha và dượng