ông Minh Viễn kết thúc câu chuyện bằng một lời khẳng khái không nghĩ
ngợi làm bà Phương Trúc lúng túng.
- Em cảm thấy là... cái chuyện mời cơm... mình như là... anh biết đấy
chuyện chi tiêu trong gia đình phải dè xẻn lắm mới tạm đủ. Mời một bữa
cơm khách ít ra cũng tốn trên trăm bạc, em sợ là...
- Thì em phải có biện pháp, du di cái mục khác không cần sang.
- Biện pháp? Làm gì có biện pháp? Trừ trường hợp có quyển sách ước ra,
nếu không? Còn cách nào nữa đâu. Một đồng tiền không thể chẻ hai được.
Mua gạo thì nhịn than và ngược lại thôi.
Sau bữa cơm, ông Minh Viễn đi về phòng khách, ngồi tựa trên ghế mây,
cầm tờ báo trên tay rất lâu mà không lật trang. Có nghĩa là ông ấy chưa hẳn
để tâm trên tờ báo. Sao vậy? Phải chăng vì sự xuất hiện của Hiếu Thành?
Một người bạn cũ thôi nhưng mà... người bạn cũ đó đã mang đến bao nhiêu
ký ức đẹp ngày xưa. Phương Trúc mãi bây giờ vẫn không làm sao quên
được cái giọng nói rổn rảng của hắn.
- Thế nào? Qúy vị quyết định lấy nhau à? Tôi từ xưa đến giờ là kẻ chủ
trương phản đối hôn nhân. Vì hôn nhân là ràng buộc là gông tù. Nhưng nếu
quý vị đã quyết lấy nhau thì tôi đành phải đóng vai người chứng thôi.
Và quả thật như vậy. Thành đã là người chứng cho cuộc hôn nhân của hai
người. Không phải chỉ một cương vị đó, mà Thành còn bao cả mọi thứ.
Đúng là một người bạn tốt.
Và bây giờ... kẻ chủ trương phản đối hôn nhân kia cũng đã lập gia đình.
Vâng! Hôn nhân là gông cùm, là tù ngục nhưng mà gần như con người, đến
một lúc nào đó đều tự nguyện mang chiếc gông cùm kia vào.
Trong lúc bà Phương Trúc đứng lặng suy nghĩ, thì Hiểu Đan đã nhẹ nhàng
bước tới kề tai bà nói nhỏ:
- Mẹ Ơi, mẹ nhớ đừng quên cách tháo gỡ thế bí giúp con nhé.
Bà Phương Trúc bàng hoàng. Thực tế quay trở lại. Cách tháo gỡ? Vâng,
phải giúp con. Con gái đã lớn cần phải giao tiếp, không thể để nó mất mặt.
Còn chồng muốn tiếp đãi bạn bè cũ. Cũng không thể không có. Phải tìm
biện pháp. Bà Phương Trúc đứng thẳng người, lòng đầy rối rắm.
Hiểu Đan cúi đầu đi qua trước mặt ông Minh Viễn. Nó kéo cánh cửa mỏng