tiệc khoản đãi sự “hiểu nhầm” ấy rồi tống tiễn cô và Hoàng về Hà Nội. Tệ
lắm có thêm vài cuộc cãi cọ, vài câu dằn mặt. Thế thôi. Lãnh đạo huyện
Tuy chẳng làm được gì hơn.
Ly Ly chỉ nơm nớp lo dân quân Thị Trấn bắt được Hoàng, tịch thu được
máy ảnh, xong om công khó cô bày mưu mẹo phủ phục mấy ngày trời. Cô
không ngủ được, vừa thiu thiu đã choàng tỉnh hoảng hốt. Hoàng đâu...
Hoàng đâu rồi? Ba bốn lần như thế.
Trời sáng dần lên, khu Ủy ban huyện tịnh không một bóng người. Cửa
chính bị khóa, Ly Ly ngồi ngóng ra cửa sổ. Trời sáng rõ. Không thấy dân
quân dẫn Hoàng về, Ly Ly khấp khởi mừng thầm. Biết đâu trời thương tình
đã che chở cho Hoàng.
Bảy giờ sáng một thanh niên mở cửa. Chị ra đi. Anh ta thản nhiên đứng
chờ ở cửa, không thèm hỏi Ly Ly câu nào, cứ như cô vừa xin ngủ nhờ tại
đây vậy. Bọn này khôn thế, chúng làm như chẳng biết gì chuyện tối qua. Ly
Ly định làm ầm lên, nghĩ lại có nói gì ở đây cũng vô ích. Thể nào anh thanh
niên chả được lệnh khóa mồm, có nói gì anh ta cũng chỉ một câu “em
không biết”, “em có biết đâu”... Ly Ly ngậm miệng bước ra khỏi phòng.
Qua cổng Ủy ban huyện được vài bước, Ly Ly quyết định quay lại. Phải
gặp cho được tay Phó Chủ Tịch Văn Xã hỏi xem vì sao hắn cho quân bắt cô
và Hoàng. Tất nhiên hắn sẽ chối. Làm gì có chuyện đó? Mắt rắn dưới cặp
kính bốn diop căng phồng muốn vỡ tung. Tôi sẽ làm ra nhẽ chuyện này. Bắt
nhà báo là phạm pháp, việc này không thể tha thứ được. Ly Ly tưởng tượng
bộ mặt sừng sộ của Phó Chủ Tịch Văn Xã. Nhất định hắn sẽ nặn ra bộ mặt
ấy, có khó gì đâu với bọn đạo đức giả.
Phó Chủ Tịch Văn Xã không có ở phòng làm việc. Cô thư kí dịu dàng lễ
phép trả lời sếp cô đã vào tỉnh họp. Thử sang phòng Chủ Tịch Huyện xem
nào. Lại “đã vào tỉnh họp”. Anh thư kí Chủ Tịch Huyện cũng dịu dàng lễ
phép không kém cô thư kí Phó Thủ Tịch Văn Xã, dù anh hơn Ly Ly cả chục
tuổi. Thế là họ lánh mặt, con bài “đã vào tỉnh họp” có thể được thông qua
trong thường vụ huyện ủy. Nếu có gõ cửa phòng bí thư, phó Bí Thư Huyện
Ủy trước sau gì thư kí của họ cũng dịu dàng lịch sự chìa con bài đó ra.