những khuôn mặt gầy guộc, những hốc mắt to, và tuổi, và số ở góc dưới
bên trái. Mười sáu tuổi, mười bảy tuổi, năm mươi tư tuổi, mười hai tuổi,
mười tám tuổi...
Cô nhớ rằng chỉ cần vừa đi qua cổng Dachau, cô đã cảm thấy không được
phép nói, vì tất cả những linh hồn kia vẫn quanh quất đâu đây. Lúc nào cô
cũng run vì sợ và cảm giác có lỗi. Cô. Mười tám tuổi. Và Jakob lúc đó
không để ý đến cặp mắt mở to đầy sợ hãi của cô, đứng trước cô và kể về
những đứa trẻ và những thiếu niên bị chết ngạt ở Dachau. Anh đọc cho cô
nghe con số và ngày tháng. Cuối cùng anh nói rằng linh hồn những thiếu
nữ và những cậu thiếu niên bị chết vì hơi ngạt đó chắc chắn không bao giờ
già. Anh nói chính xác như vậy. Rằng chúng luôn trẻ và rằng tối hôm ấy
chúng gặp nhau ở đâu đó sau những ngôi nhà lụp xụp hoặc cạnh lò thiêu
xác và nói với nhau đầy tự hào rằng: “Các bạn hãy nghe đây, hôm nay
Madona đã đến chỗ chúng ta. Madona...”.
Tôi tên là Matylda.
Cái gì Jakob cũng biết. Về những vì sao, những đầu cảm biến, hóa học, cầu
chì và tâm lý bạn gái đang trưởng thành. Nhưng tốt nhất vẫn là về giấc ngủ.
Cho dù từ mười sáu năm nay anh chỉ ngủ vào ban ngày, nhưng anh biết hầu
như tất cả về giấc ngủ ban đêm. Cả về điều này, rằng Giấc Ngủ là chị em
của Cái Chết. Thỉnh thoảng, hồi tôi còn trẻ, anh kể cho tôi nghe về điều đó.
Anh tắt đèn, thắp nến và đọc cho tôi nghe thơ của Ovid về Giấc Ngủ được
phản chiếu trong chiếc gương có Cái Chết đứng ở đằng sau. Khi ấy là tự tôi
bảo anh kể. Còn tự anh thì không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ làm điều
đó. Nhưng bác sĩ tâm lí trị liệu của tôi, người mới chuyển từ Tây Âu về
Rostock đã cho rằng tôi “phải trải qua một cuộc thử thách nghịch lý”. Khi
tôi nói lại điều này với Jakob, anh rất bực mình và bắt đầu nguyền rủa bằng
thổ ngữ vùng miền nam nước Đức. Jakob chỉ nói bằng thổ ngữ này khi nào
anh mất tự chủ. Hôm sau, anh không đi làm ở nhà dưỡng lão, mà đến chỗ