bà bác sĩ tâm lý trị liệu kia và chờ ở phòng chờ bốn tiếng, để nói với bà ấy
rằng bà ấy là một người “cực kỳ ngu xuẩn, ngạo mạn như hầu hết những
dân Tây Âu huyênh hoang và thêm vào đó còn vô cùng tàn nhẫn”. Bà ta
nghe anh nói hết, sau đó thì anh ở lại đó hai tiếng. Anh về nhà thay đổi hẳn
và mấy đêm sau đó bắt đầu đọc cho tôi nghe Ovid. Thỉnh thoảng anh còn
đến thư viện của trường đại học tổng hợp và thay vì Ovid, anh mang về
những truyện cổ tích Đức. Trong đó có cả Giấc Ngủ và Cái Chết là hai chị
em.
Chưa bao giờ Jakob đến nhà tôi mà lại không có hai túi đầy cầu chì. Lần
cuối anh còn mang đến cả hai chiếc điện thoại di động.
Bao giờ cũng hai cái. Vì Jakob là người rất cẩn thận.
Anh còn lắp đặt dưới tầng hầm một trạm biến thế. Suốt hai tháng anh chở
đến những bộ phận gì đó, anh treo lên tường những bản sơ đồ và chăm chú
nghiên cứu. Sau nhiều đêm không ngủ, anh ở lại và tự nhốt mình dưới đó
để lắp ráp. Để “dự phòng”, nhỡ đâu họ cắt điện hai lần. Một lần ở khu và
một lần ở trạm biến thế của chúng tôi. Bởi sau hai năm xin xỏ của Jakob,
thành phố đã đồng ý để anh lắp cho chúng tôi một trạm biến thế đặc biệt.
Nhưng như vậy rồi, Jakob vẫn chưa tin. Kể cả thành phố, kể cả trạm của
mình.
Đơn giản là Jakob muốn đảm bảo chắc chắn rằng chúng tôi thức dậy cùng
nhau.
Hai người. Và rằng những truyện cổ tích của Ovid và cổ tích Đức mà hồi
nào anh đã đọc cho tôi nghe, chỉ là truyện cổ tích. Bởi bao giờ cả hai chúng
tôi cũng cùng thức dậy.
Rất nhiều khi chúng tôi hoàn toàn không ngủ, mà chỉ kể cho nhau nghe đủ
các thứ chuyện. Thỉnh thoảng, theo yêu cầu của tôi, anh kể về một ngày của
anh và các ông, bà, các cụ của anh ở nhà dưỡng lão. Những người ở các
khu chung cư – Jakob nói – khổ hơn nhiều, kể cả khi họ có ba phòng, vô
tuyến màu, người giúp việc, giường nâng hạ bằng điện và phòng tắm có tay
vịn. Họ cô đơn. Cô đơn vô cùng. Họ bị những đứa con suốt ngày bận bịu
công việc và sự nghiệp bỏ rơi, thậm chí không có cả thời gian để đẻ và nuôi
dạy những đứa cháu, những đứa có thể thỉnh thoảng vào thăm ông bà và