Chuyện xảy ra vào đêm bức tường bị đổ và tất cả mọi người sửn sốt chạy
sang phía Tây, cho dù chỉ để chắc chắn rằng chẳng có ai bắn họ. Một nửa
giờ tham dự vào lịch sử châu Âu và thế giới và sau đó quay về nhà cho
chắc. Đổi mác Đông Đức sang DM, mua một ít chuối, vẫy tay với cái
camera của một đài truyền hình nào đó rồi nhanh chóng về nhà ở phía
Đông. Bởi phía Tây, ngay cả hiện nay vẫn cứ thực sự là một đất nước khác
và chỉ ở phía Đông người ta mới thực sự cảm thấy như ở nhà.
Cha cô biết rằng chưa thể kết thúc ở nửa giờ tự do và những quả chuối đó.
Nên ông sợ. Ông sợ lắm. Từ lúc nhìn thấy những chiếc xe traban chạy qua
Check Point Charly và cổng Brandenbur thì cái điện thoại di động nào cũng
làm ông sợ. Đêm ấy ông đã uống say – không phải vì nghiện, mà vì sợ – và
không hiểu vị khán giả say khướt ấy, do thói quen cũ hay do nỗi nhớ cũ, lại
quay về “gầm chạn” với vợ. Điều đó không quan trọng, vì từ bao năm nay
đó chẳng phải là chạn của ông, chẳng phải vợ của ông. Ông bấm chuông.
Jakob, người đến trước đó với những chiếc máy hiện sóng và những đầu
cảm biến của cô, ra mở cửa. Với khớp xương hông bị đá, anh khập khiễng
đi ra và mở cửa. Và nói: “Xin mời vào”. Và tay trưởng phòng đê tiện đó
bước vào và như thường lệ không nói một lời, đi xuống bếp. Và hắn ngồi
trên cái ghế gỗ xiêu vẹo cạnh tủ lạnh ấy và khóc. Và khi đó Jakob hỏi hắn
có uống trà không “vì ngoài trời lạnh thế”, rồi đặt nước.
Tôi tên là Matylda.
Tôi bị bệnh nhẹ.
Jakob bảo là tôi không nên nói thế. Anh cho rằng tôi chỉ “tạm thời bị khó
thở” và rằng rồi sẽ qua thôi.
Tôi đã bị như vậy từ mười sáu năm nay, nhưng Jakob bảo là rồi sẽ qua .
Anh vẫn nói thế từ mười sáu năm nay. Thậm chí anh còn tin vào điều đó.
Bởi bao giờ anh cũng chỉ nói những gì mình tin tưởng.
Khi không ngủ, tôi cũng thở như Jakob. Khi thiếp đi, cơ thể tôi liền “quên”
thở. Đó có lẽ là do di truyền, nếu nói theo định nghĩa của Jakob.
Tôi không thể ngủ mà không có thiết bị kích thở cho phổi.