Chính ông vào cái ngày hai mốt tháng Mười một năm ấy đã đá Jakob, đã
đẩy anh vĩnh viễn rời xa những kính thiên văn vô tuyến và những ngôi sao,
đã hủy hoại không thể khắc phục khớp xương hông và tiểu sử của anh, sau
đó về nhà trong trạng thái say khướt và quát tháo mẹ tôi trong bếp.
Và khi đó, thất nghiệp và bị “đánh dấu”, Jakob đã bắt đầu làm thuê cho quỹ
dành cho người bệnh và các trại phúc lợi xã hội ở Rostock để chăm sóc
những bệnh nhân nằm liệt giường. Chỉ có ở đấy là muốn nhận anh vào làm
mà cũng phải có bảo lãnh đặc biệt. Một nhà thiên văn học với luận án tiến
sĩ dở dang như vậy đi đổ bô. Và anh đã gặp tôi theo cách đó. Mười sáu năm
trước đây. Và đã mười sáu năm nay chúng tôi cùng nhau đêm này qua đêm
khác.
Liệu tôi có phải biết ơn cha tôi, ông trưởng phòng, vì điều đó?
- Jakob à, em có cần phải cám ơn cha em vì em có anh? Hãy nói cho em
biết đi – tôi hỏi anh khi anh kể xong câu chuyện của mình. Tôi nhìn thẳng
vào mắt anh. Anh quay đầu lại, vờ như đang nhìn vào một cái kính hiển vi
nào đó, và trả lời hoàn toàn lạc đề:
- Bởi vì chúng ta, Matylda ạ, chúng ta được tạo ra để phục sinh. Như cô ấy.
Kể cả bị xe tải đi qua, chúng ta vẫn cứ lớn lên.
Vì Jakob đôi khi vẫn nói chệch đề. Anh nói chệch đề mới hay làm sao.
Giống như vào một tối nào đó, khi chúng tôi trở lại đề tài Dachau, anh bỗng
nhiên nắm chặt tay và rít qua kẽ răng:
- Em biết anh đang mơ ước điều gì không? Em có biết về cái gì không hả
Matylda? Anh ước gì có ngày người ta nhân bản Hitler rồi dẫn hắn ra tòa.
Một thằng ở Jerusalem, một thằng ở Vacsava và một thằng ở Dachau. Và
anh sẽ có mặt trong phiên tòa ở Dachau.
Đêm đêm Jakob cứ kể cho tôi nghe những câu chuyện như thế. Bởi chúng
tôi trò chuyện với nhau về mọi thứ. Chỉ riêng về chuyện có kinh của tôi là
không. Nhưng từ cái lần ấy, Jakob không nắm tay tôi khi tôi ngủ nữa. Vì
Jakob không phải là người yêu của tôi.
Về chuyện Jakob gặp gỡ với cha cô thì mãi mấy năm sau đó cô mới biết.