đột ngột khiến bà Kim Cúc đang ngồi đối diện với ông phải chăm chú
nhìn. Đôi mắt hai mí to rõ, da nâu đỏ, mũi thẳng, trán cao, râu quai nón lún
phún quanh cái cằm vuông và dáng dấp cao nghều của ông đã gợi cho bà
tưởng tượng nên một khuôn mặt đẹp đầy nam tính và phong độ của một
người đàn ông chỉ huy trong quân phục của sĩ quan Quân LựcViệt Nam
Cộng Hòa ngày xưa. Nếu không kể mái tóc dài lởm chởm thiếu chăm sóc,
cái môi tím đen bởi những điếu thuốc và cái lưng khom tự tạo, ông vẫn còn
giữ được cái vẻ hào hùng sẵn có của mình hơn là dáng vẻ của người thất
trận. Có lẽ vì nể nang sự diện kiến đầu tiên của cô em dâu và vì sự giận dữ
của bà Thu chưa được dịu bớt nên ông Huy vẫn gầm đầu lặng yên.
Bà Thu tiếp tục chép miệng, thở dài:
- Cứ nhìn tấm thân của ảnh là em đau lòng không tả được. Hành xác mình
như vậy ba má còn sống cũng đau lòng chứ chẳng nói gì em.
Ông Thắng nói lảng:
- Anh Hoàng có đem mấy chai rượu ngoại về cúng ba. Cúng xong tha hồ
anh em mình nhậu nghe anh hai!
Bà Thu gắt nhẹ:
- Ảnh uống rượu để quên chứ để vui đâu mà cần rượu ngoại hay nội!
Vụt đứng dậy, bà Kim Cúc lẻn bẻn nói:
- Em thật là vô ý, nãy giờ mãi tiếp chuyện với anh hai mà quên bẵng
chuyện bày hoa quả, bánh, mứt cúng ba má!
Ra vẻ chú tâm đến lời vợ đề nghị, ông Hoàng bước đến những chiếc giỏ ở
góc nhà phụ bà Kim Cúc đem các thứ đến bàn thờ nơi đối diện hai cánh cửa
ra vào đang mở rộng. Ông đưa ánh mắt cười kín đáo ngầm cảm ơn vợ khéo
chuyển đề tài khiến cho sự bất hòa giữa ông Huy và bà Thu được lắng dịu
phần nào. Ông biết rất rõ ông anh trai lớn và cô em gái út của ông không
bao giờ hợp tính nhau cho nên họ thường cãi vã với nhau ngay từ khi họ
còn nhỏ. Bởi cả hai đều thông minh và quả quyết nên họ thường tranh cãi
một cách quyết liệt cho lập trường của họ và vì thế, theo ông, câu ngạn ngữ
“Nhất đầu nhì út” không thể áp dụng cho hai người con đầu và út của cha
mẹ ông. Sự bù trừ có chăng là tình anh em thắm thiết của cô út Thu dành
cho các anh mình sâu đậm với vai trò của người em gái độc nhất trong gia