không được đền bù một phần vì thời vận và một phần vì những người cộng
sự không tin dùng. Riêng với ông Huy, kể từ sau ngày ông Nghĩa nhạo
báng những kẻ “ Việt gian lầm đường” theo “Đế Quốc” cuối cùng bị thất
bại, đã tuyệt giao hẳn với ông này từ trước ngày ông lên đường đi học tập
cải tạo. Hiếm khi nghe ông Huy nhắc nhở đến ông Nghĩa nhưng qua trao
đổi tâm tình với ông, ông Hoàng có thể đoán được là ông Huy chỉ ghét bỏ
những người đi ngược với lý tưởng của ông chứ không khinh khi hay coi rẻ
những kẻ làm “gián điệp nhị trùng” như ông Nghĩa. Dù biết cha mẹ mình
uốn nắn và giáo dục ông hai Huy, cô út Thu và ông như nhau, ông Hoàng
biết rõ tính tình của anh em ông không hề giống nhau ngay từ lúc nhỏ cho
mãi đến khi trưởng thành và già dặn như lúc ấy. Trong khi ông Huy giam
mình trong thế giới vắng lặng để tự vá tâm hồn rách nát và bà Thu thức thời
“giác ngộ” với sự thay đổi của xã hội thì ông ở vào thái độ lưng chừng để
cố gắng hiểu đời, hiểu người và sống một cách linh động. Dù là thể nào,
trong đầu ông chợt hiện lên ý nghĩ là nếu bà Thu cắt đứt mối quan hệ với
gia đình ông Nghĩa và không giao thiệp với một người nào trong gia đình
của ông ta theo cùng với sự chối bỏ và tuyệt giao của ông Huy, thì có lẽ
ông đã không phải lậm sâu vào duyên tình như hiện tại và không phải ở
trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
- Mừng cho cháu. Ông Nghĩa nâng ly.
Ông Hoàng giật mình, ngơ ngác nâng ly như lời yêu cầu. Vẫn như chữ
cháu mà ông Nghĩa nói lúc đầu, ông lờ mờ không hiểu chữ “cháu” mà ông
Nghĩa đề cập là con của ông và là đứa cháu ngoại đầu tiên của ông Nghĩa
hay chính con gái của ông ta.
Ngập ngừng cụng ly ông Nghĩa, ông Hoàng nói với vẻ e dè.
- Xin mừng.
Ông Nghĩa cười mỉa:
- Trên đời này mất cái này, có cái khác! Người ta nói có tiền mua bao
nhiêu tiên cũng được mà đúng. Ngày còn trẻ, chú yêu đơn phương, thất tình
ngày này qua tháng khác, còn bây giờ đổi đời, đổi người, thành ông Việt
Kiều giàu có, được thành “trâu già ăn cỏ non xanh” sướng nhé!
Chưa hớp xong ngụm rượu, ông Hoàng vội vã đặt chiếc ly xuống bàn,