- Vì vẽ chưa được đẹp nên em mới nói là chị cần tập dượt trong lúc chưa có
khách như lúc này. Em coi chị như chị em ruột nên em mới nói với chị lời
này, chị suy nghĩ lại đi!
Dứt lời khuyên, bà Kim Cúc chăm chăm chờ sự ưng thuận của bà Tảo. Ánh
mắt long lanh trên khuôn mặt sáng của bà toát nên sự nhân hậu và thành
tâm. Thật sự là bà Kim Cúc hết lòng muốn giúp bà Tảo kiếm nhiều tiền hơn
qua chuyện nâng cao tay nghề. Bà quan tâm và lo lắng cho bà Tảo không
phải chỉ vì thương hại cho hoàn cảnh, hay vì đồng giới tính, mà vì tình
thâm giao gắn bó giữa vợ chồng bà và vợ chồng bà Tảo và vì mối quan hệ
“dây mơ rễ má” giữa ông Hoàng, ông Tảo, ông Tiến, ông Thương và ông
Huy. Năm 1988 khi vợ chồng bà gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với những
tiệm làm móng tay tại Santa Anna, California chính ông Tảo là người đưa
đường dẫn lối cho vợ chồng bà về Maryland sinh sống làm ăn. Sở dĩ ông
Tảo làm như thế vì ông Tiến, người anh ruột của ông, muốn ông hết lòng
giúp đỡ gia đình ông Hoàng, em ruột của ông Huy. Ông Huy, ông Thương
và ông Tiến là bạn tri kỷ và là những người lính Việt Nam Cộng Hòa của
miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Sau khi mãn tù cải tạo, ông Huy về
thẳng Long Xuyên ẩn cư trong khi ông Tiến và ông Thương trở lại Sài Gòn
quyết chí tìm đường vượt biển đến thành công. Tuy ba người bạn thân ở ba
nơi khác nhau và có hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau họ vẫn thường
xuyên liên lạc thư từ với nhau. Ông Tiến và ông Thương trốn khỏi nước
bằng hai chuyến vượt biển khác nhau, ở hai trại tị nạn khác nhau, đến Mỹ
vào thời gian khác nhau và làm việc khác nhau nhưng họ đã cùng chuyển
về định cư tại Maryland nơi mà vợ chồng ông Tảo cùng hành nghề móng
tay. Sau một thời gian lận đận với các công việc đưa báo, lao công, và làm
công nhân ở các hãng bánh, hãng nước hoa, hãng tem thư, và hãng in, cả
hai ông Tiến và Thương đã chuyển sang nghề móng tay của vợ chồng ông
Tảo và sau này làm chung với vợ chồng ông Hoàng. Họ chuyển nghề móng
tay không phải vì muốn kiếm tiền dễ dàng hay được thu lợi tức bằng nhiều
hình thức như ngân phiếu hay tiền mặt mà chỉ vì muốn gặp nhau thường
xuyên hơn và nói chuyện với nhau nhiều hơn. Cả ông Tiến và ông Thương
đều là người sống tự do, phóng khoáng và bất cần. Họ không hề đặt nặng