cách huýt còi đó thì mỗi lần họp được chúng cho đủ mặt, phải mất đến 10,
15 phút hoặc hơn nữa chứ? Lối đó lại tập cho đàn con của ông biết trọng
thời giờ của mình và của người khác.
Và cũng nhờ “sáng kiến” ấy mà một lần ông dẹp được một đám cỏ cháy lan
tới nhà. Ông huýt còi; chỉ trong 14 giây bao nhiêu người trong nhà đều ra sân
hết. Chỗ thú vị nhất trong câu chuyện là một chị hàng xóm trông thấy đám
cháy, la lên, đòi đi kêu đội cứu hỏa. Chồng chị vẫn ung dung, nghe thấy vậy
bèn cười:
- Mình điên sao?
Ý anh ta muốn nói: gia đình Gilbreth trị đám cháy đó như chơi, cũng đắc lực
như đội cứu hỏa, có gì mà phải cuống cuồng lên như vậy?
Tôi ngừng một chút rồi tiếp:
- Anh đã thấy nhiều gia đình chỉ có 3 người: hai vợ chồng son và một đứa
con nhỏ mà mướn tới 3 người ở không? Một anh bếp, một chị để sai vặt,
và một chị vú giữ em: ba người để hầu ba người! Nếu những gia đình ấy
có 11, 12 đứa con như gia đình Gilbreth thì chắc phải mướn đến cả một
đội người ở. Ông bà Gilbreth chỉ mướn hai người thôi: một chị bếp và
một anh bồi. Tới khi ông mất, bà, vì tài chánh eo hẹp, cho chị bếp nghỉ.
Mà bà có được ở không coi sóc việc nhà đâu. Bà, trước đậu kỹ sư nay
phải thay chồng nuôi con. Bà còn làm cố vấn cho các xí nghiệp trong
công việc tổ chức, lại mở một lớp dạy môn nghiên cứu cử động, viết 6
cuốn sách, diễn thuyết khắp nơi mỗi tuần một hai lần mà vẫn có thời giờ
đi nghe giảng đạo, hội phụ huynh học sinh, may vá cho con, dạy chúng ca
và đờn, đọc sách, kể chuyện cho chúng nghe đỡ buồn mỗi khi chúng đau,
có lần lại rửa chén, làm giường thay người ở nữa.
Sự hoạt động của bà đã ghê gớm chưa? Thật là một bà nội trợ kiểu mẫu, cổ
kim hi hữu. Ta tưởng mỗi ngày của bà dài bằng một tuần của ta vậy.
Được như thế là nhờ đâu? Nhờ bà khéo tổ chức gia đình. Khi ông bà đã hơi
đông con, ông đặt ra lệ mỗi đứa lớn lãnh việc săn sóc một đứa nhỏ, còn những
đứa giữa thì phải tự săn sóc lấy mình.
- Gia đình đông con nào mà chẳng nghĩ ra được điều ấy?