soát.
- Ra lệnh cho trẻ hễ lạc thì ở đâu phải ở đó, như vậy là dự tính.
- Vạch rõ những công việc hàng ngày rồi viết lên trên giấy cho trẻ, là vừa
biết dự tính, vừa biết tổ chức.
- Mỗi đứa lãnh tránh nhiệm giữ một đứa em và luôn luôn chỉ lãnh trách
nhiệm về đứa đó thôi, như vậy là hợp với nguyên tắc chỉ huy.
- Bảo mỗi trẻ làm rồi công việc nào thì gạch bỏ nó ở trên giấy đi để ông
chỉ cần coi qua một lượt là thấy được hết, như vậy là biết kiểm soát.
Một ví dụ đó đủ cho anh thấy rằng ta có thể áp dụng phương pháp tổ chức
vào công việc nhà. Đã đành, có chút lương tri thì ai cũng tự kiếm được cách tổ
chức, nhưng người trước đã tốn công suy xét, nghiên cứu, tìm ra nhiều quy tắc
xác đáng thì tại sao ta lại không học những kinh nghiệm của họ mà dò dẫm lấy
con đường họ đã đi qua từ nửa thế kỷ trước làm chi?
2. Một tấm gương sáng và hai cuốn sách có giá trị.
Gần đây, hai người con trong gia đình Gilbreth đã cùng nhau viết hai cuốn
sách kể đời thơ ấu của họ. Hai cuốn ấy đã được dịch ra tiếng Pháp dưới nhan
đề: Treize à la douzaine và Six filles à marier
và đều được coi là thứ sách bán
chạy nhất ở Mỹ vì chứa đầy những chuyện hóm hỉnh, lý thú và bổ ích.
Tôi đã rơm rớm nước mắt khi đọc đoạn ông Gilbreth mới mất được vài
ngày, bà Gilbreth phải qua Âu diễn thuyết thay cho ông, để lại ở nhà 11 đứa
con, đứa lớn nhất 18 tuổi, đứa nhỏ nhất 2 tuổi. Mười một đứa đó, khi bóng mẹ
vừa khuất ở đầu đường, sụt sùi trở vào nhà, lập một hội nghị gia đình rồi chung
sức nhau tự điều khiển việc nhà có phần chu đáo hơn hồi còn cha và đồng lòng
rút các khoản chi tiêu, dành dụm được một số tiền để khi mẹ về giao lại cho
mẹ.
Tôi chưa thấy cuốn nào dạy về tinh thần gia đình mà cảm động và lý thú hơn
nữa. Tôi ước sau này có cơ hội trích dịch ra cho những độc giả không biết
ngoại ngữ được thưởng thức.
Khi chồng chết, bà Gilbreth tưởng gia đình bà sẽ phải lâm vào cảnh túng
quẫn, tan tác, mẹ xa con, chị xa em. Nhưng bà can đảm gánh nhiệm vụ thay