phải làm mất 3 giờ mà thêm mỏi mệt nữa.
Còn biết bao thí dụ khác tỏ rằng phần đông chúng ta làm việc một cách vô ý
thức. Chẳng hạn ông hàng xóm của tôi có một khu vườn ở ngay bờ kinh phải
tưới vườn sáng và chiều. Ngày nào nước lớn nhằm lúc tưới thì công việc nhẹ
nhàng, còn những ngày mà sáng và chiều nước ròng sát thì việc xách nước
thực cực nhọc: phải xuống sâu mới múc được nước rồi leo lên một chiếc cầu
trơn lên tới bờ kinh. Phía sau nhà có một cái lu bỏ không. Tôi hỏi ông ta:
- Sao chú không vần cái lu ra mé kinh này để chứa nước? Lúc nào nước lớn
thì dùng gàu nước múc nước đổ vào lu, rồi sáng và chiều lấy bình múc nước
trong lu mà tưới vườn.
Tức thì ông ta làm theo tôi.
3. Trong các cách làm chỉ có mỗi một cách có hiệu quả hơn hết.
Chúng ta có thời gặp việc làm ngay, không chịu suy nghĩ trước, nên nhiều
khi thất bại và luôn luôn phí sức phí tiền, phí thời gian.
Xin bà nhớ điều này:
Bất kỳ công việc gì cũng có nhiều cách làm. Trong những cách ấy chỉ có
một cách là hiệu quả nhất. Ta phải suy nghĩ để tìm cho được nó rồi mới bắt tay
vào việc vì cách mà phần đông theo hoặc cách thứ nhất hiện ra trong óc ta
chưa hẳn là cách giản tiện đâu.
Có hiểu được điều ấy và quyết ý áp dụng nó vào mỗi công việc thì đọc cuốn
này bà mới thấy ích lợi. Bằng không thì cuốn này không giúp được bà chút gì
đâu, chỉ nên liệng nó vào bếp rồi nhúm lửa thôi.
Quy tắc trên khó theo lắm vì chúng ta đã quen làm việc một cách vô ý thức
từ hồi nhỏ. Phải có nhiều nghị lực và chịu tốn công mới bỏ được một thói cũ,
tập một thói mới. Mỗi ngày bà nên dành riêng 10-15 phút để tập suy nghĩ về
cách làm việc của bà và xét một công việc nào đó. Chẳng hạn hôm nay xét
cách quét nhà, ngày mai xét cách tắm cho em bé, hoặc cách rửa chén, tưới
vườn... Bà phải có tinh thần nghi ngờ hết thảy những cách làm việc từ trước và
tìm tòi những cách mới, cũng như Descartes đã nghi ngờ hết thảy những điều