Các sách gia chánh và dục nhi chỉ thêm cho bà nhiều cách làm việc nhà sao
cho đỡ mệt như: nên may quần áo bằng thứ hàng không nhàu để giảm số đồ
phải ủi mỗi tuần, nên ủi đồ trên một cái bàn cho đỡ khòm lưng, nên cho trẻ bú
có giờ, tập cho chúng ngủ một mình và lần lần bỏ bữa đêm của chúng đi, ....
Nhưng đã theo đúng những lời khuyên ấy mà bà vẫn còn thường thấy mỏi
mệt thì là tại bà không biết “lái chiếc xe hơi của bà” như Karin Roon; tác gia
cuốn “The new way to relax”
đã nói.
Chúng ta khi sắm một chiếc xe hơi về, phải học lái nó cả tháng và xem xét
kỹ những bộ phận nó để biết sửa chữa qua loa. Khi dùng, ta thường phải lau
chùi nó; hễ có bộ phận nào hơi hư hỏng là ta thay liền. Tóm lại, ta săn sóc nó
rất kỹ lưỡng.
Cơ thể ta là một bộ máy tế nhị gấp 1000 lần máy xe hơi mà trừ một số ít
người được học y khoa thì không ai tập cách “lái” và sửa chữa nó hết. Có lúc ta
đổ dầu không đủ nó chạy, nhưng lắm khi ta lại đổ nhiều quá; sức nó chạy được
nhanh hay chậm, ta không biết; nó chạy được bao lâu phải cho nghỉ, ta cũng
không hay, bộ phận nào hư, ta không rõ. Như thế thì trách chi ta chẳng thường
đau lưng, chân tay rã rời, nhức đầu, mất ngủ, sáng dậy thì đắng miệng và uể
oải.
Muốn cho khỏi mệt, bà phải theo vệ sinh và biết cách nghỉ ngơi. Thuật nghỉ
ngơi cũng quan trọng không kém thuật làm việc, mà từ trước tới nay chưa có
cuốn nào dạy nó, thực là một điều thiếu sót lớn.
2. Tại sao bà mệt?
Mệt là thấy sức làm việc giảm đi. Tại sao chúng ta mệt? Tại thớ thịt và gân
của ta co lại hoặc căng thẳng lâu. Bà có thấy một con mèo mệt bao giờ không?
Không. Vì thân thể nó lúc nào cũng mềm như sợi bún. Các võ sĩ Nhựt khuyên
môn đệ như cây liễu chứ không nên như cây tùng, chính do lẽ đó. Khoanh tay
trước ngực, gác chân chữ ngũ, mím môi, nghiến răng, cắn móng tay, gặm đầu
cây viết, búng tay, cau mày... đều là những cử động vô ích làm cho bà mau mệt
và mau già.
Có ba thứ mệt: