đến 3 tháng hạ, rồi thu, đông; hết bốn mùa lại trở lại xuân: đó là tiết điệu của
bốn mùa.
Nhìn một người giã gạo hoặc đập sắt, ta cũng thấy họ làm việc theo một tiết
điệu: họ đưa cái chày hoặc cái búa lên khỏi đầu, ngừng một chút rồi đập xuống
mạnh, ngừng một chút lâu hơn rồi lại đưa lên.
Tiết điệu có ba nguyên tố: tốc độ (nhanh hay chậm), thời gian (lâu hay mau),
cường độ (mạnh hay yếu).
Đã có người thí nghiệm rằng muốn cho vừa mau vừa ít mệt:
- đầu phải cử động mỗi phút 20 lần.
- bàn tay mặt khi đưa đi đưa lại độ 10 phân thì phải làm 120 lần mỗi phút,
nhưng nếu đưa đi đưa lại 20 phân thì mỗi phút chỉ nên làm 60 lần thôi.
Vật càng lớn thì cử động càng chậm:
- loài bò co duỗi bắp thịt của nó mỗi phút 70 lần
- loài mèo mỗi phút 160 lần
- loài chuột nhắt mỗi phút 350 lần.
- loài ruồi đập cánh mỗi phút tới 20.000 lần.
Người cũng vậy, càng mập càng chậm và mỗi người có một tiết điệu riêng.
Không ai biết rõ được tiết điệu của ta bằng ta, nên chính bà phải tìm lấy tiết
điệu của bà để theo nó cho ít mệt. Và hiểu như vậy rồi, bà cũng đừng nên bắt
con cháu hoặc người ở làm sai tiết điệu của họ, trừ những trường hợp đặc biệt.
Họ chậm chạp thì đừng giao cho họ một việc gì gấp, họ nóng nảy thì đừng cậy
họ làm những việc tỉ mỉ... tất nhiên cũng có nhiều người lười, nhưng chịu để ý,
bà sẽ phân biệt được người nào chậm chạp, đau yếu hoặc biếng nhác.
b) Phải nghỉ trước khi mệt.
Chắc bà chưa quên rằng Taylor cho một bọn thợ kiểm soát các viên đạn cứ
làm một giờ 15 phút thì được nghỉ 10 phút mà kết quả lại gấp đôi khi họ phải
làm hoài, không được nghỉ tay.
Quân đội Mỹ cũng đã thí nghiệm và thấy rằng nếu cho một bọn lính mang
nặng và đi đường trường cứ 1 giờ được nghỉ 10 phút thì họ được bền sức hơn