Bài tập về nhà các môn Toán và Tiếng Việt cũng không nhiều lắm,
ban đầu chủ yếu là các bài luyện viết. Cứ đến thứ Sáu hàng tuần là
cô lại cho bài tập trong một tờ phô tô. Tớ không thích có cảm giác một
đống bài tập đang chờ mình nên thành thói quen, cứ đi học về là tớ
làm bài luôn. Đến khi mẹ tớ nấu xong cơm, gọi xuống ăn là tớ đã
hoàn thành bài tập rồi. Thời gian buổi tối tớ dành cho việc học môn
Tiếng Anh. Hầu như tớ toàn đạt điểm 10. Ngày nào mẹ tớ cũng đón
tớ bằng câu hỏi: “Hôm nay con học thế nào?” Thế là tớ sẽ kể hết mọi
chuyện ở lớp, ai không ngoan, ai bị cô giáo phạt, ai không ngủ trưa và
tất nhiên đến phần tớ, tớ phải cố nhớ xem mình đã được mấy điểm
10 cả thảy trong một ngày. Mẹ tớ bảo, điểm 10 cũng rất đáng khen
nhưng quan trọng là mẹ tớ muốn biết, tớ có cảm thấy đó là một ngày
học vui, ngày học ý nghĩa không. Tớ không phân biệt được hai điều
này, nên mẹ tớ giải thích: “Ngày học vui là ngày con được khen này,
con giúp được bạn trong lớp này, con ăn thấy ngon miệng này... còn
ngày học có ý nghĩa là ngày con học được những thứ mà con thấy
hay, thấy lạ so với những điều mình đã biết trước đó, nói tóm lại con
có cảm giác của người vừa khám phá được một điều gì đó mà trước
đấy còn bí ẩn”. Tớ hiểu ngay, nên thay vì tính số điểm 10 hàng ngày,
khi mẹ đón, tớ đều thì thầm vào tai mẹ tớ, chẳng hạn: “Mẹ ơi, hôm
nay là một ngày học vui, con đã giúp cô cất chăn chiếu khi ngủ xong
và được cô khen”, hoặc: “Mẹ ơi, hôm nay là ngày học ý nghĩa vì con
biết khi muốn cộng 9 với 8 con lấy 10 cộng với 8 rồi trừ đi 1”... nhưng
cũng có ngày học buồn lắm, như ngày bạn Phương trong lớp bị ngã
gãy tay, ngày có bạn kể cho tớ nghe về việc bố mẹ bỏ nhau mà bạn
ấy không biết ở với ai này... Những điều đó tớ đều kể lại cho mẹ tớ
nghe hết, mẹ còn cho lời khuyên để tớ có thể giúp được các bạn nữa
chứ. Còn bố tớ đón tớ hàng ngày toàn bằng những lời pha trò, ví dụ