thấy chuyện đó thật phiền phức, phần vì sợ sợ, và phần vì thật ra
cũng chẳng có chuyện gì đặc biệt để nói. Tôi cất miếng giấy nhỏ có
viết tám chữ số đó vào ngăn bàn.
Cho dù bố không về nữa thì trong nhà cũng chẳng thay đổi gì
mấy. Nói thế thì cũng hơi tội nghiệp bố nhưng sự thật đúng là vậy.
Chứ sao, lâu nay đã chẳng thế còn gì, lâu nay bố có ở nhà đâu, và
lâu nay tôi cũng đã chẳng còn biết yêu hay ghét bố nữa cơ.
Nếu nói có gì thay đổi thì chỉ có công việc của mẹ bận bịu hơn và
trong nhà thì rộn ràng hơn trước gấp nhiều lần. Đó là do, sau khi
bố không ở nhà nữa thì em của mẹ – dì Asako (ba mươi mốt tuổi,
độc thân, cô giáo dạy vẽ) thường lui tới hơn, mẹ của mẹ – tức bà ngoại
cũng hay đến chơi. Một người em gái nữa của mẹ là dì Yuko (hai
mươi chín tuổi, độc thân, làm việc bán thời gian) cũng đôi khi góp
mặt. Khi mẹ bận việc về trễ thì chắc chắn sẽ có ai đó đến, và có
khi tất cả mọi người đều tập trung đông đủ.
Dì Yuko rất thích bày trò nên chỉ cần có chút gì hay ho là dì tổ
chức thành sự kiện luôn. Ví dụ như chiếu video. Cả nhà bày bánh
kẹo, nước uống ưa thích ra sàn và cùng xem video trong căn phòng
tối thui. Chính dì là người quy định trong lúc xem phim không được
nói chuyện vậy mà mười lần như chục, dì toàn là người phạm luật,
nào “tên này, thủ phạm là cái chắc”, nào “anh này mặt mày đẹp trai
mà coi tướng tá không phong độ gì hết”. Có khi dì còn tổ chức trình
diễn thời trang. Biểu diễn hài kịch nhại mấy người nổi tiếng. Trò
này thì dì Asako cực siêu. Dì bắt chước được rất nhiều người, đến
nỗi tôi nghĩ có khi dì nghỉ dạy vẽ đi diễn hài lại nổi tiếng không
chừng.
Vì vậy mà nhiều lúc tôi quên béng đi mất. Quên rằng đã từng
có bố ở nhà. Quên rằng tôi đã từng có một ông bố. Quên mất bố
đã pha trò thế nào khiến mẹ bực tức ra sao. Quên mất những lúc