nữa. Có lần hai bố con đã cùng ăn khoai tây chiên và bố nói tôi là
một đứa con nít khác biệt, sao lại quên được chứ.
- Chú Kanbayashi lúc nãy là bạn thời sinh viên của bố. Chú ấy
nghỉ làm ở công ty rồi ra mở khu câu cá nhân tạo nơi cái xứ khỉ ho cò
gáy vậy đấy. Thấy khác người không. Chẳng con cái gì nên không
biết cách nói chuyện với con nít. Lúc Haru còn nhỏ xíu kìa, chú bế
lóng ngóng đến độ mẹ phát cáu và không dám cho bế nữa. Mà nói
gì thì nói, lâu lắm rồi mới lại được đi xe điện nhỉ. Ngồi đối diện
vậy cũng hay. Cảm giác như đi đâu xa lắm ấy. Nghỉ hè rồi mà cũng
vắng vẻ ghê!
Bố “phát thanh” liên tục. Bố càng nói thì cơn bực tức vô duyên
vô cớ trong lòng tôi nãy giờ càng tăng lên gấp bội, cùng đó là một nỗi
thất vọng tràn trề. Tôi vẫn ngậm chặt miệng, không nói lời nào.
Như lúc còn trên xe hơi, tôi nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ. Lon
nước trái cây bố đưa lúc nãy đã đổ mồ hôi lạnh đầy lòng bàn tay.
- Đến trưa mới đổi tàu, lại tiếp tục lắc lư chừng hai tiếng nữa
nên cũng phải chiều tối mới ra tới biển. Thôi, coi như tối nay ngủ
tạm rồi ngày mai xuống biển mặc sức mà bơi. Aaa, đồ tắm, áo
tắm, quên mua áo tắm rồi. Mà không sao, thể nào ở quanh đó
cũng bán.
Bố tiếp tục nói như thể đầu-óc-đang-có-vấn-đề. Tôi thử liếc
ngang quan sát thái độ của bố. Bố vừa nói vừa sắp xếp, thay đổi
vị trí của đống bánh kẹo với trái cây trên thành cửa sổ một cách vô
thức. Và tôi hiểu ra. Không phải vì vui vẻ, phấn chấn mà bố “phát
thanh”, thật ra là bố đang lúng túng. Bố lúng túng vì không hiểu
nguyên nhân nào khiến tôi cau có, không chịu mở miệng.
- Không biết hút thuốc được không ta? Ừm, mà chẳng có ai hút
cả, thôi để tí nữa hỏi nhân viên tàu. Mấy thứ này, ăn đi, đừng ngại.