Hãy cùng xem xét một tình huống mà tôi đã từng trải qua, khi một người
bạn kết tội tôi là quá lời sau khi tôi bình luận rằng nói chuyện với cô ấy qua
điện thoại thật quá khó khăn. Trò chuyện với bạn tôi thường rất căng thẳng
vì cô ấy luôn có xu hướng quá hào hứng về những gì mình nói, độc thoại cả
đoạn dài (thậm chí đến cả giờ liền), và chỉ cho tôi một vài khoảng trống
hiếm hoi để chen vào. Mặc dù tôi rất tôn trọng sự hồ hởi của cô ấy, nhưng
tôi vẫn thấy cuộc đối thoại đó mang tính một chiều, vì thế mà rất khó chịu.
Lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau, sau một chuỗi mô tả đặc biệt
dài dòng về công việc của mình, cô hỏi tôi rằng sao tôi lại im lặng thế. Tôi
đã trả lời câu hỏi một cách thành thật. Cô ấy cảm thấy bị xúc phạm, tổn
thương và nổi giận với tôi vì đã “quá lời.” Giờ thì, theo như kết quả của
chuyện đã xảy ra, tôi thấy cô ấy quá nhạy cảm với các lời chê bai nên chúng
tôi đã có một chút bế tắc trong chuyện ai đúng ai sai. Chúng tôi mắc kẹt
trong chuyện này cho đến khi tôi có thể nhìn nhận quan điểm của cô ấy từ
vị trí của cô và rồi cảm thông với những cảm xúc của cô ấy về tôi. Mặc dù
tôi không đồng ý rằng mình đã chỉ trích cô ấy một cách vô lý (thật ra, tôi
nghĩ rằng tôi đã có câu trả lời mà cô rất nên nghe), tôi vẫn có thể cảm thông
với cảm xúc của cô. “Xem này, anh có thể hiểu vì sao em lại cảm thấy tổn
thương đến vậy.” Khi đã cảm thông được với cảm xúc của cô, tôi thật lòng
đồng ý rằng mình cũng sẽ cảm thấy như vậy nếu ở vào vị trí của cô, và vì
thế tôi nhìn nhận được mọi chuyện theo cách của cô. Tôi tin rằng đó chính
là sự cảm thông của tôi, và lời xin lỗi theo sau đó vì chuyện câu trả lời của
tôi làm cô tổn thương thế nào đã khiến cô hỏi tôi, “Anh muốn em làm gì?”
“Ừ thì đáng lẽ anh nên chen vào nhiều hơn,” tôi trả lời, lật ngược câu hỏi.
“Và có lẽ em cũng có thể để anh tham gia nhiều hơn.”
Cô đồng ý và những cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên giống một cuộc
đối thoại hơn nhiều so với cuộc độc thoại ngày xưa mà tôi gần như phải
nghiến răng chịu trận.