Nếu bạn thấy mình nói “nhưng mà”, nghĩa là bạn đang tìm cách chống chế
hơn là lắng nghe, kiểu như “tôi hiểu những gì anh nói, nhưng tôi...” Nếu
bạn nhận ra đối phương của bạn cũng đang tìm cách phòng thủ thì rất có thể
bạn cũng vậy.
7. Kiểm chứng lại những gì bạn nghe
Kiểm chứng những gì ai đó nói với bạn là một công cụ hiệu quả. Thực tế,
đó chính là nền tảng của phương pháp LEAP. Đó là cách để người khác biết
rằng bạn nghe những gì họ nói và bạn hiểu ý tưởng của họ. Đó cũng là một
cách đơn giản để hạ nhiệt cuộc cãi nhau cũng như xây dựng niềm tin giữa
hai bên. Nhưng công cụ này thường bị bỏ qua. Kimberly và Jason không
phải là ngoại lệ. Nếu xem lại trao đổi của họ, bạn sẽ không thấy một đoạn
nào họ kiểm chứng lại những gì người kia nói. Mỗi lời gây tổn thương, mỗi
ý kiến hay câu phàn nàn đều xuất hiện rồi bị bỏ qua. Người nói không hề
biết rằng người nghe có thực sự lắng nghe và hiểu mình không. Để tôi nói
rõ hơn cho các bạn.
JASON: Tôi thành một ông bố nội trợ cù lần mà chẳng được gì, và tôi nhẫn
nhịn mọi thứ, tôi bị bẽ mặt, mọi thứ.
KIMBERLY: Anh biết gì không? Anh đã có thể đi làm một năm trước.
Bạn có nghĩ là Jason thấy Kimberly hiểu anh không? Chắc chắn cô có nghe
anh nói vì sự tự vệ và chống trả của Kimberly dựa trên đó. Nhưng cô có
hiểu anh không? Cô có kiểm chứng lại những gì cô nghe thấy, đại loại như:
“Nếu em hiểu đúng thì anh thấy tủi thân vì anh phải làm một ông bố nội trợ.
Phải thế không?” Tôi không phải băn khoăn về phản ứng của Jason khi
nghe cô nói những lời này vì không lâu sau khi tôi hướng dẫn Kimberly
cách kiểm chứng lại những gì cô nghe thấy thì kết quả là những gì tôi đã
chứng kiến vô số lần. Jason đã bớt giận dữ, cảm thấy gần gũi hơn với
Kimberly, và sẵn sàng lắng nghe cô hơn. Anh thấy cô hiểu suy nghĩ của anh
- không phải là cô đồng tình - vì thế anh bớt cảm giác phòng ngự.