tuổi, mắt ông ta bị đục thủy tinh thể. Vạn vật trong trời đất, qua con mắt
của ông ta, chỉ là một thứ lờ mờ. Trước khi mắt nhập nhèm, Ngưu Được Cỏ
nói năng từ tốn, chậm rãi. Nhưng sau khi nhập nhèm, ông ta bắt đầu cao
giọng, hễ thấy ai là nói:
– Đừng tưởng mắt tôi không nhìn thấy gì, chứ trong bụng, tôi biết tỏng
ra đấy.
Hồi mắt Ngưu Được Cỏ còn sáng, Lưu Nhảy Vọt thường theo mẹ về
thăm bà ngoại. Ngưu Được Cỏ chẳng mấy đoái hoài đến cháu. Lưu Nhảy
Vọt có phần sợ. Ngưu Được Cỏ tiếng chỉ là đầu bếp trong tù, nhưng cũng
tinh tướng lắm. Tinh tướng không phải vì cái bếp, mà vì “nhà tù”. Đầu bếp
ở quán ăn trong chợ ngày nào cũng phải nấu nướng thật ngon. Còn đầu bếp
ở nhà tù hàng ngày phải nấu nướng cho thật tệ. Thật ra, cơm tù, muốn làm
ngon, cũng chẳng có điều kiện. Một năm 365 ngày. Ba bữa trong ngày toàn
là: cà là thầu, cháo, bánh hấp. Người đến quán ăn cơm, cơm canh chẳng ra
gì là có quyền chửi đầu bếp. Tù nhân trong trại, cơm canh ngon hay dở đều
không dám ho he. Trông thấy đầu bếp, thậm chí còn phải ăn nói nhỏ nhẹ.
Cánh đầu bếp ở quán ăn đều xem thường Ngưu Được Cỏ. Ngưu Được Cỏ
cũng chẳng coi những tay đầu bếp khác là cái đinh rỉ gì.
– Mẹ kiếp, khắp gầm trời này, chỉ thấy bọn nấu cơm phục vụ đám ăn
cơm, chứ làm quái gì có bọn ăn cơm phục vụ lũ nấu cơm?
Sau khi Ngưu Được Cỏ ăn nói cao giọng, người ta cậy gã không nhìn
thấy nên giở trò trọc ghẹo. Đồng nghiệp, người quen, cứ gặp là y như rằng
lấy tay làm động tác cắt cổ gã. “Soạt” “Phựt”, chém tay từ đầu xuống cổ,
rồi quay người bỏ đi. Ngưu Được Cỏ chịu, không biết ai. Mùa đông năm
đó, Lưu Nhảy Vọt cùng mẹ đến nhà tù thăm cậu. Ông cậu đưa Lưu Nhảy
Vọt ra chợ mua cà là thầu cho trại. Một người quen đi đến, làm bộ cắt cổ
Ngưu Được Cỏ. Ngưu Được Cỏ đang quẩy gánh, vốn bị bắt nạt nhiều lần
thành quen. Nhưng thằng cháu 8 tuổi là Lưu Nhảy Vọt thấy vậy bèn sấn
đến đá cho gã kia một phát. Miệng chửi:
– Mẹ mày chứ!