Briscoe thì sao chứ, kẻ muốn trở thành một họa sĩ và đã cố công thực hiện
ước vọng này, nhưng dường như không thể vẽ giỏi cho lắm, hoặc chưa làm
cho chính cô ta hài lòng cho lắm? Trong cõi miền của Woolf, mọi sự dường
như đều mong manh. Chúng quá khó nắm bắt. Chúng quá lửng lơ không
xác định. Chúng quá sâu thẳm khôn dò. Chúng giống như một dòng thơ của
một thi sĩ râu tóc lưa thưa trong một truyện ngắn của Katherine Mansfield:
“Vì sao nó phải luôn luôn là xúp cà chua?”
Mười chín tuổi, tôi chưa từng biết tới cái chết của bất kỳ một ai, ngoại trừ
ông tôi, người đã già và xa khuất. Tôi chưa từng tới dự một lễ tang. Tôi
không hiểu chút gì về loại trải nghiệm đó - về sự co rúm lại của mảnh vải
vật chất của những cuộc đời đã sống, cái cung cách mà ý nghĩa của một nơi
chốn có thể đổi thay vì những người đã từng ở trong nó nay không còn ở đó
nữa. Tôi không biết chút gì về sự tuyệt vọng và sự cần thiết của việc cố nắm
bắt lấy những cuộc đời như thế - để cứu vớt chúng, để ngăn chúng khỏi
biến mất hoàn toàn.
Mặc dù tôi đã có nhiều lầm lạc trong nghệ thuật, tôi chưa hề nhận ra sự
non nớt đó của mình. Lily Briscoe đau khổ vì sự công kích của một gã đàn
ông dễ dao động cứ bảo với cô rằng đàn bà không thể vẽ và đàn bà không
thể viết, nhưng tôi không nhận ra lý do vì sao cô lại phải phiền muộn đến
thế về việc đó: rõ ràng cái gã đó là một tên quấy rối, vì thế ai cần quan tâm
tới những gì hắn nghĩ chứ? Dù sao đi nữa, chưa có người nào từng nói với
tôi những câu như thế, chưa hề. (Tôi không biết rằng chẳng bao lâu sau
chúng sẽ bắt đầu.) Tôi không nhận ra những phát ngôn như thế có thể có
một sức nặng đến thế nào, ngay cả khi được thốt ra từ những tên ngu xuẩn,
do nhiều thế kỷ của thẩm quyền được tôn trọng một cách nặng nề nằm phía
sau chúng.
Mùa hè vừa rồi, 43 năm sau, tôi đọc lại Tới ngọn hải đăng. Không vì một lý
do đặc biệt nào: tôi đang ở trong cái không gian rất mang tính cách
Canada, “căn nhà thôn dã” đó, và cuốn sách cũng vậy, và tôi đã đọc hết tất
cả những cuốn truyện trinh thám hình sự. Vì thế tôi nghĩ tôi sẽ thử lần nữa.