liên hồi. Hẳn gã người yêu đó đã khiến cô thấy bất an. Mặc dù vậy, cô vẫn
hay nói không ngừng mỗi lúc vui vẻ.
Nhưng sáng đó, cô hoàn toàn im lặng. Chỉ ngồi ăn, và chờ đợi. Lẽ dĩ
nhiên, Esther bắt đầu tỉ tê.
“Mẹ ơi,” con bé lên tiếng, giọng khàn khàn dè dặt pha chút ngọng nghịu.
“Mẹ có biết người ta từng đào thoát khỏi bức tường Berlin trên chiếc khinh
khí cầu tự chế không?”
“Mẹ không biết đấy,” Cecilia đáp, dù cô thừa biết điều này.
Tạm biệt Titanic, và chào mừng bức tường Berlin, cô nghĩ thầm.
Thực lòng, cô muốn nghe Esther kể cho mình biết tâm trạng con bé lúc
bấy giờ hơn, rồi những lo lắng của nó về trường lớp, bạn bè, hay những
thắc mắc về tình dục chẳng hạn, nhưng không, con bé tuyệt nhiên chỉ muốn
kể về bức tường Berlin.
Ngay từ khi mới ba tuổi, Esther đã có xu hướng bộc lộ những sở thích kì
quái, nói chính xác hơn là đam mê kì quái. Đầu tiên phải kể đến khủng
long. Tất nhiên đa phần bọn con nít đều ưa khủng long, nhưng niềm yêu
thích của Esther thì phải nói là cực đoan, thành thực mà nói có phần hơi lập
dị. Ngoài khủng long, con bé chẳng thích thứ gì khác. Nó vẽ khủng long,
chơi với khủng long, thậm chí ăn mặc như khủng long nốt. “Con không
phải là Esther,” con bé nói. “Con là khủng long bạo chúa T-REX.” Trước
giờ đi ngủ, con bé đòi nghe bằng được chuyện về khủng long. Cả ngày nó
chỉ nói những chuyện liên quan đến khủng long. Cecilia phát chán chủ đề
đó chỉ sau năm phút. (Khủng long tuyệt chủng cả rồi, còn gì đáng để nói
nữa chứ!) Nhưng thật may vì John-Paul thấy thích thú. Vài dịp đặc biệt,
anh đưa Esther đến bảo tàng. Anh còn mang sách về cho con bé. Rồi hai bố
con ngồi với nhau hàng giờ liền cùng trò chuyện về các loài động vật ăn cỏ
và động vật ăn thịt.
Từ đó đến nay, “sở thích” của Esther đã đầy lên rất nhiều, từ tàu lượn
siêu tốc cho tới loài cóc lớn Nam Mỹ. Gần đây nhất là con tàu Titanic. Giờ
đã lên mười, con bé đã có thể tự tra cứu ở thư viện và trên mạng. Lượng