thông tin con bé thu thập được khiến Cecilia phải ngạc nhiên. Có đứa con
nít nào mới mười tuổi đã nằm trên giường đọc những cuốn sách lịch sử to
đùng mà bản thân nó cũng không cầm được lên cơ chứ?
“Chị hãy cứ khuyến khích em ấy,” cũng có vài giáo viên đã khuyên
Cecilia như vậy nhưng đôi lúc cô vẫn thấy lo ngay ngáy. Có thể Esther
chớm tự kỷ, hoặc chí ít con bé cũng có biểu hiện ban đầu của căn bệnh này.
Mẹ Cecilia đã bật cười khi cô bày tỏ nỗi lo âu của mình. “Nhưng Esther
giống hệt con ngày bé đấy!” Mẹ cô nói. (Giống là giống thế nào! Tại sao
mẹ cô có thể đánh đồng việc sắp xếp bộ sưu tập búp bê Barbie theo một trật
tự hoàn hảo với việc làm của Esther được.)
“Mẹ có một mẩu đá của bức tường Berlin đấy,” Cecilia đã kể cho Esther
khi bất chợt nhớ ra, thật phấn khởi khi thấy đôi mắt Esther sáng rực lên
thích thú.
“Mẹ đã ở Đức sau khi bức tường sụp đổ.”
“Con xem được không ạ?” Esther hỏi.
“Mẹ tặng con luôn đấy, con yêu.” Đồ trang sức và áo quần cho Isabel và
Polly. Còn đồ lưu niệm về bức tường Berlin dành cho Esther.
Bấy giờ Cecilia mới hai mươi tuổi, đang cùng cô bạn Sarah Sacks du
ngoạn châu Âu trong chuyến đi kéo dài sáu tuần lễ vào năm 1990, chỉ vài
tháng sau bản thông cáo về việc bức tường sẽ bi kéo sập. (Tính do dự có
tiếng của Sarah cùng sự kiên quyết của Cecilia giúp họ trở thành những
người bạn đồng hành hoàn hảo, không bao giờ có bất đồng.)
Tới Berlin, cả hai thấy khách du lịch xếp một hàng dài dọc bức tường, họ
đang cố dùng chìa khóa, những viên đá hay bất cứ thứ gì có thể tìm được
để cạy lấy những mảng tường làm vật lưu niệm. Bức tường trông như xác
một con rồng khổng lồ từng đe dọa cả thành phố, còn đám khách du lịch
giống hệt một bầy quạ xấu xí xâu xé phần thi thể còn lại của nó.
Không có đồ nghề thì chẳng thể nào cạy được mảnh tường ưng ý, vậy
nên Cecilia và Sarah quyết định (phải, tất nhiên là Cecilia quyết định) mua
lại từ những người dân địa phương đang bày đồ trên thảm, bán đại hạ giá