Lưỡi Hương Lan líu cả lại:
- Trời ơi, liên quan gì đến chúng ta mà phải hao công nhọc sức, chuốc cái
khổ vào người. Tôi không thể chịu đựng được nữa rồi.
- Vậy thì ăn uống xong cô cứ việc ngồi yên một chỗ để mặc tôi xem xét
hiện trường.
- Anh làm như mình là đại diện cho pháp luật ấy!
- Tất cả mọi công dân đều có quyền theo dõi và tố giác những điều được
gọi chung là phạm pháp. Việc đem xác người nhét vào bên trong pho tượng
là vấn đề hết sức dã man, giết người rồi toan tính phi tang. Tôi muốn cô coi
người phụ nữ đó là ai?
Vừa nghe vậy Hương Lan đã xua tay:
- Đã bảo đừng có lôi tôi vào cuộc. Tôi không biết ai mà cũng chẳng dám
nhìn mặt đâu. Anh không thấy tôi đã rợn hết cả óc lên rồi sao? Trong đời
tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng này.
Bộ dạng của Hương Lan thật tội nghiệp, gương mặt tái xanh, tái xám, đôi
bàn tay nắm chặt lấy anh không chịu buông ra. Tuấn Khanh hiểu nỗi sợ của
cô đã đến tuyệt đỉnh, anh cần phải dừng sự trêu chọc của mình lại. Nhưng
thật ra trong lòng anh không hề có ý đùa bỡn mà đó là sự thôi thúc, hiếu kỳ.
Tại sao lại có xác người bên trong pho tượng thạch cao này? Vấn đề chỉ
riêng ông Hoàng Huy mới lý giải được? Phải chăng trong vụ việc này còn
có cả một chuỗi bí mật mà chưa ai khai thác được? Tuấn Khanh cảm thấy
tiếc, giá như anh là nhà báo dứt khoát anh sẽ viết một thiên phóng sự ngay.
Còn bây giờ, khả năng của anh chỉ có thể làm theo ý nghĩ.
Gói xôi mặn rất ngon cộng với cái bụng đói nhưng Hương Lan không tài
nào nuốt trôi vì sự hãi hùng. Ôi chao, một xác chết được dựng đúc thành
tượng, hèn gì bấy lâu nay bị ma nhát mà cô cứ ngỡ mình nằm mơ. Những
tiếng nói vô hình và sự chuyển động của các pho tượng mà cả cô lẫn Tuấn
Khanh đều thấy. Thật không còn gì khiếp đảm hơn đối với Hương Lan khi
phải chứng kiến điều mà cô chưa hề ngờ tới. Không biết trong số mấy chục
pho tượng còn lại kia đang chứa đựng bao nhiêu cái xác người? Hương Lan
nói với Tuấn Khanh: