Hai cậu dương quan, một chăn ban ngày, một gác đêm. Ngày công, ban
ngày mười điểm, ban đêm tám điểm, hai người luân phiên hoặc đổi phiên
cho nhau, người này đi vắng thì người kia làm thay. Nếu chó tốt thì gác
đêm vụ xuân có thể ngủ đẫy giấc. Nhưng ba vụ sau là du mục, không có
chuồng xây để chăm sóc cừu con như vụ xuân, chỉ dùng xe bò, hàng rào
tạm và thảm quây thành hình bán nguyệt, hoàn toàn không ngăn nổi sói,
nếu nạn sói nghiêm trọng thì đúng là khổ sai, suốt đêm đừng hòng chợp
mắt, cầm đèn pin lượn quanh chuồng, quát tháo khản cổ lũ chó. Ông Ulichi
nói: Trực đêm chủ yếu là phòng sói, hàng năm công điểm trực đêm bằng
1/3 tổng số công điểm của mục trường. Đó chính là khoản chi rất lớn về
sói. Trực đêm là công việc chính của phụ nữ Mông Cổ. Phụ nữ ban đêm
trực, ban ngày làm việc nhà, rất ít khi ngủ đẫy giấc. Người ban ngày làm
lụng, sói ban đêm quậy phá; người khốn đốn, sói hung hăng. Sói thảo
nguyên quậy phá đến nỗi con người ăn không ngon ngủ không yên. Sói
đánh gục từng gia đình, từng thế hệ phụ nữ. Do vậy, các nữ chủ nhân
thường ốm đau, chết yểu. Nhưng cũng có nhiều người có sức khoẻ, trụ
vững. Sói thảo nguyên sinh sản quá nhanh, còn người thì không thể tăng
trưởng nhanh trên quy mô lớn. Do đó xưa nay chưa hề xảy ra nạn nhân
mãn mà chỉ có chuyện khai khẩn đất hoang để có cai ăn. Chính là sói đã
khống chế sự phát triển dân số trên thảo nguyên.
Đàn cừu là nền tẳng của nghề chăn nuôi trên thảo nguyên. Nuôi cừu để có
thịt ăn, có áo mặc, có phân khô để đun nấu, thu nhập hai công điểm một
con, bảo đảm cuộc sống nguyên thủy của người thảo nguyên. Vậy mà cuộc
sống của người chăn cừu tẻ nhạt, mòn mỏi và tù túng, từ sáng tới đêm một
mình với đàn cừu trên đồng cỏ ngút mắt hoặc tuyết trắng. Từ trên cao nhìn
ra, vài chục dăm vuông không một bóng người. Không có người để chuyện
trò, có sách không dám đọc chăm chú, vì phải coi chừng sói tập kích. Ngày
nào cũng cảm thấy mình như Tô Vũ chăn dê, cô đơn thui thủi, con người
khác gì cỏ dại. Cảm giác này đuổi không đi, vì nó đã thấm sâu vào xương
tủy. Trần Trận thường cảm thấy mình đã già, rất già, già hơn cả Tô Vũ.
Ngàn năm nay thảo nguyên không hề thay đổi, con người vẫn sống cuộc
sống du mục nguyên sơ, vẫn đang tranh giành miếng ăn với sói, quyết liệt