khùng thì gân cổ lên, mắt trợn trừng, ỳ ra không chịu bước, những muốn
đập cho một trận. Ngưu quan có nhiều giờ rỗi, cần giúp việc gì có thể nhờ
họ. Mông Cổ mà không có bò thì rất vất vả. Kéo xe, dời nhà, cho sữa, các
món ăn bằng sữa bò, thịt, da, phân, tất cả trông vào con bò. Dân tộc trên
lưng ngựa, tất yếu gia đình trên lưng bò. Ngưu quan, mã quan, dương quan
ba loại công việc gắn với nhau như một chuỗi xích, không thiếu được khâu
nào.
Trần Trận và Dương Khắc cùng chăn đàn cừu hơn một ngàn bảy trăm con,
hầu hết là giống cừu đuôi to nổi tiếng của vùng Ơlon, khu đuôi to như cái
đĩa cỡ trung bình, mỡ màu trắng đục, ròn mà không ngấy, thịt thơm mà
không có mùi hôi. Ông Ulichi nói: Cỏ ở Ơlon tốt nhất so với cỏ các nơi
trong khu vực, mà cừu Ơlon cũng là giống cừu tốt nhất, xưa kia là cừu tiến
vua, là món thịt cừu mà Hốt Tất Liệt sau khi tiến vào Bắc Kinh đích thân
tuyển chọn. Ngày nay khi lãnh đạo nhà nước tiếp nguyên thủ các nước A
Rập theo đạo Islam đều chọn cừu Ơlon. Nghe nói nguyên thủ các quốc gia
đó thường bỏ bê việc nước để đến thăm xứ sở của loại cừu này. Trần Trận
nghĩ, sói Ơlon cao lớn lạ thường, đầu óc tính toán nhanh hơn người, có thể
là do ăn thịt cừu Ơlon. Trong đàn cừu có những con lai giống Tân Cương
với giống bản địa, lông mịn, cho len tốt, sản lượng cao gấp ba bốn lần cừu
nội, nhưng thịt nhão, không thơm, dân du mục không thích ăn. Rồi đến sơn
dương, số lượng rất ít, chiếm khoảng 1/30 đàn cừu. Tuy sơn dương ăn cỏ
cả rễ phá hoại đồng cỏ, nhưng bộ lông rất được giá, hơn nữa, những con
sơn dương thiến sừng nhọn rất dũng cảm, dám quần nhau với sói. Đàn cừu
nào mà có sơn dương là có thể chống lại sói độc. Do vậy, đàn cừu Mông
Cổ thường là do vài chục con sơn dương làm nhiệm vụ đầu đàn. Sơn
dương nhớ bãi chăn, nhớ đường về, lại dám tự quyết, gặp cỏ ngon là cho
đàn dừng lại ăn, cỏ không ngon thì dẫn đàn đi nơi khác. Sơn dương còn
một ưu điểm nữa so với cừu. Đó là khi bị sói công kích, chúng be rầm lên
và chạy lung tung, mục đích là báo động cho cả đàn. Còn cừu thì bị cắn
thủng bụng mà vẫn im như thóc không dám be một tiếng, mặc cho sói xé
xác. Trần Trận nhận thấy dân du mục Mông Cổ rất giỏi lợi dụng sở trường
các các loài vật trên đồng cỏ, nhằm mục tiêu hại ít lợi nhiều.