mình, lại không quen biết ai, còn Thủy Tiên thì tiếng là ở với bà cô chủ
quán giải khát, nhưng thực ra bị ngược đãi như con ở.
Thủy Tiên kể với bố tôi rằng bố mẹ cô đã bỏ nhau. Sau khi li dị, mẹ
con cô vào Sài Gòn định mở hiệu chữa đồng hồ nhưng khó khăn quá vì
không có vốn, với lại tay nghề không so nổi với thợ Sài Gòn. Nghe người
quen giới thiệu, hai mẹ con dắt nhau lên khu kinh tế mới Đà Oai. Họ không
còn con đường lựa chọn nào khác. Ở đây được ba năm, Thủy Tiên sang tuổi
19, cô được bầu làm bí thư chi đoàn ở khu kinh tế mới. Cô bắt đầu yêu
thích cuộc sống đơn sơ hoang dã, yêu thích thiên nhiên vắng bóng người.
Đúng lúc đó khu kinh tế gặp nhiều khó khăn về nguồn nước. Nhiều người
lục tục bỏ về. Mẹ cô nhận được thư của người họ hàng ở Hà Nội, báo tin
ông ta đang muốn phát triển cửa hàng sửa chữa đồng hồ ở Cầu Giấy, mời
mẹ cô về cùng nhau làm ăn. Đọc thư xong, bà tức tốc chuẩn bị khăn gói lên
đường. Thủy Tiên không muốn đi. Cô đã đủ lớn để hiểu rằng mình là gánh
nặng cho mẹ trong cuộc hành hương đi tìm đất sống này. Trong thâm tâm,
cô muốn tự tạo cho mình một cái gì đó trong cuộc sống, chí ít là một nghề
nghiệp, một việc làm. Bà mẹ đắn đo mãi, rồi đành gửi con lên Bảo Lộc ở
với người em họ. Bà cô này cam đoan sẽ xin cho Thủy Tiên vào học nghề ở
xí nghiệp dâu tằm tơ.
Thế rồi hai năm trôi qua, quán cà phê Hương Xuân luôn cần người hầu
bàn. Bà cô quên tịt lời hứa năm xưa. Còn Thủy Tiên cũng hiểu rằng đó chỉ
là ảo tưởng. Giờ đây cô phải đối phó với nỗi lo mới: khách quen của quán
Hương Xuân phần lớn là những gã trai tráng đi đào vàng và buôn cà phê.
Họ thích thú ngắm nhìn bông hoa lạ trong quán. Bông hoa vừa có vẻ hoang
dại của rừng núi, vừa có nét tinh tế của thị thành. Nỗi lo ấy hằng ngày bùng
lên khi cô bưng khay nước uống, len lỏi đi qua những dãy bàn mù mịt khói
thuốc lá. Hàng chục cặp mắt chĩa vào cô như sờ nắn từng đường cong nảy
nở, những đôi mắt rừng rực thèm khát trong cơn say rượu. Cô nghe họ cười
hô hố với nhau, đánh cược xem ai là người "hái hoa" đầu tiên?