- Cháu đốt đi. Coi như ông cháu mình ăn Tết trước để chúc cháu lên
đường bình an.
Minh đốt nửa bánh pháo tép. Tiếng nổ lẹt đẹt không đủ vọng vào
thung lũng. Làn khói xanh mơ thơm nức lởn vởn trước sân nhà. Đốt pháo
xong, Minh quay vào lên giường nằm. Tự dưng em thấy bơ vơ và sợ hãi.
Em mong bố đến với em. Nếu không có bố thì dì ghẻ đến cũng được, dù là
dì đến chỉ để mắng để đánh. Nhưng thực tế chẳng có ai đến cả. Một lúc sau
ông vào nằm xuống bên cạnh. Ông đưa tay rờ rẫm khắp người em. Em nằm
im giả vờ ngủ nhưng những ngón tay khô ráp sực nức mùi giang tre của
ông rờ lên mặt, gặp dòng nước mắt ướt đẫm trên má em. Ông nói âm thầm:
- Tội nghiệp, mới tám tuổi đầu… Ngày xưa, trong truyện cổ tích thì
chẳng phải như thế đâu, cháu ạ!
Thế là Minh ra đi. Hai năm trời trôi qua xô đẩy em vào khắp các hang
cùng ngõ hẻm, các bến tàu bến xe, các trại xã hội và các bãi sông. Em nhặt
nhạnh tất cả những thứ gì ăn được để duy trì cuộc sống của mình. Có
những đêm em tưởng mình chết đến nơi khi nằm co quắp trên manh chiếu
rách bên vỉa hè trong cái rét căm căm của gió mùa đông bắc. Có một tuần
liền em ăn những miếng thịt chó thừa trong dãy lều quán của chợ Âm Phủ,
tới nỗi mồ hôi em cứ thoang thoảng mùi thịt chó. Hai năm trời trôi qua đã
xóa sạch trong em tất cả những ký ức tuổi thơ, xóa sạch trong trái tim em
tất cả những tình cảm gia đình vốn đã rất mỏng manh. Cho đến ngày lũ trẻ
bán báo nhặt được em như một cái giẻ rách trên vỉa hè, mang em về tổ bán
báo của chúng. Thì quả thực em đã như một con chó hoang lạc đàn. Một
con chó non hoang dã, đơn độc, ngơ ngác và lạc lõng giữa thành phố sầm
uất.
Được thu nhận vào tổ bán báo, em trở lại với những sinh hoạt bình
thường rất chật vật. Mỗi buổi sáng thức dậy em không thích đánh răng rửa
mặt và thường xuyên quên gấp chăn màn. Trong bữa ăn tập thể em thường
lén quan sát, khi không có ai nhìn bèn bẻ đũa thò tay bốc thức ăn bỏ tọt vào